Chuyên gia khuyến nghị TP.HCM không làm đại trà khi chuyển 5 huyện thành quận

02/06/2022 13:30 GMT+7

Chuyên gia cho rằng việc đầu tư chuyển 5 huyện ngoại thành ở TP.HCM thành quận hoặc thành phố đòi hỏi nguồn lực rất lớn, nên cần xác định mô hình, bước đi phù hợp, tránh làm đại trà, dàn trải.

Nhiều thách thức khi chuyển 5 huyện ngoại thành TP.HCM thành quận

Sáng 2.6, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai các đề cương chi tiết đề án nhánh thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố trực thuộc TP.HCM.

Trong giai đoạn 2020 - 2030, TP.HCM đặt mục tiêu chuyển 5 huyện ngoại thành gồm: Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh và Củ Chi thành quận hoặc thành phố.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu đề án quản lý nhà nước, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Nam bộ, chỉ ra thách thức khi chuyển 5 huyện thành quận đòi hỏi nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách thành phố đang gặp khó khăn thì việc xây dựng mô hình khả thi, có tính thực tế cần thời gian nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp đột phá, sáng tạo và phù hợp, tối ưu nhất.

Một thách thức khác là nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của chính quyền đô thị, không chỉ với 5 huyện mà còn đối với thành phố, trong đó phải chuẩn bị các phương án nhân sự chu đáo, đào tạo bồi dưỡng và có lộ trình phù hợp.

Một góc khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TP.HCM)

NGỌC DƯƠNG

TS Hưng cho rằng mỗi mô hình cần căn cứ vào luận cứ khoa học thực tiễn của từng địa phương để xem xét lựa chọn phù hợp chứ không thực hiện một cách đại trà, đồng loạt. Thay vào đó, cần có bước đi và lộ trình phù hợp để tập trung nguồn lực, đảm bảo hiệu quả và an toàn, tránh xáo trộn bộ máy, nhân lực.

Theo thống kê của Sở Nội vụ TP.HCM, đối chiếu các tiêu chí khi chuyển từ huyện thành quận trên các yếu tố về dân số, diện tích, trình độ phát triển kinh tế xã hội và cơ sở hạ tầng thì Bình Chánh dẫn đầu trong 5 huyện với 26/30 tiêu chí, Nhà Bè và Củ Chi đạt 23 tiêu chí, Hóc Môn đạt 22 tiêu chí và thấp nhất là Cần Giờ đạt 19 tiêu chí.

Quy hoạch là giải pháp quan trọng

Nói về đề án phát triển hạ tầng đô thị, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (thuộc Sở QH-KT TP.HCM) đặt vấn đề chính sách huy động nguồn lực sẽ quyết định đến thành công của đề án.

Giải pháp đầu tiên mà ông Tuấn nêu ra là quy hoạch, trong đó cần cập nhật đề án trong đợt điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới. Đồng thời, cần có chiến lược tạo ra quỹ đất, chính sách đền bù, tạo cuộc sống mới cho người dân.

Trong giai đoạn đầu, cần có chiến lược huy động nguồn lực ban đầu để tạo ra nguồn lực mới; cân đối nguồn vốn Trung ương với địa phương.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (thuộc Sở QH-KT TP.HCM), nhấn mạnh đến yếu tố quy hoạch để thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng

NGUYÊN VŨ

TS Tuấn cũng giới thiệu một số mô hình quốc tế khi phát triển nông thôn thành đô thị như vành đai đô thị ngoại ô ở Mỹ, nông nghiệp đô thị trong vành đai xanh ở châu Âu, tích tụ đô thị vùng ven ở Trung Quốc, đô thị nén và phát huy vai trò cộng đồng của Nhật Bản, quy hoạch sáng tạo và thiết kế thông minh, phát triển bền vững của Singapore.

“Quản lý đất đai cần lộ trình dài, chính quyền đô thị phải thể hiện trách nhiệm tối đa; cơ sở hạ tầng giao thông có tác động tích cực, cần nắm bắt giá trị đất đai để thực hiện”, TS Tuấn đúc kết kinh nghiệm.

Liên quan đến đề án văn hóa đô thị, TS Lê Thị Ngọc Điệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, nhấn mạnh quan điểm phát triển mà nhóm nghiên cứu hướng đến là phục vụ con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân đô thị, nhất là xây dựng và củng cố hệ thống thiết chế văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Các hoạt động phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đô thị phải đặt con người vào trọng tâm, phấn đấu để con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển đô thị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.