Chuyên gia hiến kế 'giải cứu' tồn kho tiền trong hệ thống ngân hàng

Lê Quân
Lê Quân
07/09/2023 21:07 GMT+7

Tại cuộc họp về vấn đề "giải cứu" tồn kho tiền trong hệ thống ngân hàng do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì ngày 7.9, nhiều ý kiến nhấn mạnh vấn đề không có đơn hàng thì dù lãi suất thấp, doanh nghiệp cũng không mặn mà vay.

Cần tôn trọng "khẩu vị rủi ro" của ngân hàng thương mại

Ngày 7.9, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tham dự cuộc họp có nhiều lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đại diện lãnh đạo các ngân hàng, chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp…

Chuyên gia hiến kế 'giải cứu' tồn kho tiền trong hệ thống ngân hàng? - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tìm giải pháp nâng cao khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp

VGP

Phát biểu tại cuộc họp, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng chỉ riêng ngành ngân hàng sẽ khó giải quyết được vấn đề thừa tiền trong hệ thống nhà băng.

Theo ông Thành, không nên đánh đồng giữa vai trò của các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng thương mại, cần phân biệt rành mạch khả năng về chính sách của các ngân hàng quốc doanh và hoạt động của ngân hàng thương mại. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ khéo léo gắn với an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần tuân thủ pháp luật và quy luật thị trường.

Các chính sách điều hành cần hướng dòng tiền vào khu vực có khả năng phục hồi, phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp…

Chuyên gia hiến kế 'giải cứu' tồn kho tiền trong hệ thống ngân hàng? - Ảnh 2.

TS Võ Trí Thành cho rằng không nên đánh đồng giữa vai trò của các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng thương mại

VGP

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, về điều kiện cho vay, cần tôn trọng quyền của các ngân hàng thương mại. Cụ thể là quyền lựa chọn theo "khẩu vị rủi ro" của từng ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước chỉ nên khuyến cáo, không nên bắt buộc.

PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, bày tỏ quan điểm: vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là thị trường. Cần thiết phải mở được các thị trường cho doanh nghiệp có đơn đặt hàng mới thúc đẩy được vay vốn sản xuất, nâng khả năng hấp thụ tín dụng.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Thiên cũng nêu giải pháp cần hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo…

Ngân hàng có thể chấp nhận rủi ro, nhưng phải thu được vốn

Từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp không chỉ khó khăn ở tín dụng mà còn thiếu đơn hàng, đơn giá thấp. Doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất, kinh doanh khả dĩ thì không vay tiền để làm gì, dù lãi suất thấp.

Trước mắt, nhu cầu của thị trường hàng dệt may chưa thể tăng lên trong "một sớm, một chiều". Tuy nhiên về lâu dài, có rất nhiều cơ hội kinh doanh và nhu cầu vốn rất lớn, nhất là trong chuyển đổi xanh. Đại diện hiệp hội đề xuất cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn cho doanh nghiệp dệt may đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai.

Chuyên gia hiến kế 'giải cứu' tồn kho tiền trong hệ thống ngân hàng? - Ảnh 3.

Đại diện một số ngân hàng thương mại cho biết sẵn sàng trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung

VGP

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hiện thị trường xuất khẩu thủy sản đang có những tín hiệu hồi phục, đề xuất rà soát, có cơ chế tín dụng phù hợp với các hộ nuôi trồng, doanh nghiệp nhỏ; đơn giản thủ tục cho vay phù hợp với thực tế ngành thủy sản; tiếp tục có cơ chế giảm lãi suất…

Tại cuộc họp, đại diện một số ngân hàng thương mại cũng chia sẻ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh dư tiền nhưng vốn tín dụng không ra được nền kinh tế và vẫn phải huy động vốn, trả lãi vay, ngân hàng cũng rất "đau đầu", áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn.

Về tín dụng, đại diện một số ngân hàng thương mại cho biết có thể chấp nhận rủi ro hơn, nhưng phải thu hồi được vốn và các dự án phải có cơ sở pháp lý chắc chắn… Trong bối cảnh các cơ chế liên quan đến chính sách tín dụng đã mở, các ngân hàng có thể trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp để nói rõ "khẩu vị", đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp về cách làm để tìm tiếng nói chung.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; các ngành sản xuất chủ lực trong nước; các lĩnh vực tạo sự phát triển đột phá, lan tỏa, truyền dẫn; thực hiện các biện pháp hiệu quả để giảm mặt bằng lãi suất cho vay…

Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, dư luận, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, tháo gỡ được gì thì phải tính toán, có giải pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng để hỗ trợ kích thích tổng cầu của nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành; đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, Bộ Tài chính cần khẩn trương nghiên cứu các biện pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vốn để kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ vay và ổn định, an toàn, bền vững tài chính quốc gia.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản; có giải pháp khả thi, hiệu quả để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư công, sớm đưa các dự án đi vào khai thác, kích thích đầu tư và chi tiêu khu vực tư nhân…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.