Chuyện gì xảy ra khi nguồn cung Bitcoin cạn kiệt?

08/04/2022 09:02 GMT+7

Giống như vàng, nguồn cung của Bitcoin là hữu hạn. "Cha đẻ" Satoshi Nakamoto đã thiết kế Bitcoin như một loại vàng kỹ thuật số với trữ lượng giới hạn để kiểm soát tình trạng lạm phát và tăng giá trị của đồng tiền. Vì thế nên số lượng đồng mã hóa quan trọng nhất thế giới chỉ có 21 triệu Bitcoin.

Kể từ khi xuất hiện từ năm 2009, đến nay đã có 19 triệu Bitcoin được khai thác, còn khoảng 2 triệu Bitcoin cho các thợ đào trong tương lai. Nhiều người vẫn băn khoăn điều gì sẽ xảy ra với cơ sở hạ tầng Bitcoin và với những người thợ đào khi toàn bộ số tiền mã hóa được khai thác hết.

Nhưng 2 triệu Bitcoin còn lại sẽ là số tiền khó khai thác nhất, vì lượng Bitcoin thưởng cho các thợ đào khi thêm một khối (block) mới vào chuỗi sẽ giảm một nửa cứ sau mỗi bốn năm.

Cuộc đua đào Bitcoin sẽ càng khốc liệt khi nguồn cung giảm

CHỤP MÀN HÌNH

Vào năm 2012, thợ đào được thưởng 25 Bitcoin, đến năm 2016, con số này chỉ còn 12,5 Bitcoin. Hiện nay, họ chỉ kiếm được 6,25 Bitcoin cho mỗi khối mới. Các chuyên gia dự đoán đến năm 2140, nguồn cung Bitcoin sẽ cạn kiệt.

Kịch bản năm 2140

Theo Investopedia, khi nguồn cung chạm mốc 21 triệu Bitcoin, sẽ không có Bitcoin mới nào được tạo ra. Các khối mới sẽ tiếp tục hình thành, nhưng thợ đào chỉ nhận một khoản phí xử lý giao dịch, thay vì được thưởng cả Bitcoin và phí giao dịch như hiện tại.

Về mặt lý thuyết, nếu mạng lưới Bitcoin phát triển vào năm 2140, những người khai thác Bitcoin vẫn có thể xoay xở tạo ra lợi nhuận từ phí giao dịch.

Nếu Bitcoin vào năm 2140 được xem như kho lưu trữ giá trị, thay vì để mua bán hằng ngày, thì thợ đào Bitcoin vẫn thu về lợi nhuận dù không có đồng mã hóa nào được tạo ra. Họ có thể nhận khoản phí cao hơn khi xử lý các giao dịch giá trị "khủng" hoặc một lượng lớn giao dịch cùng lúc, bằng cách sử dụng giải pháp blockchain lớp 2 như Lightning Network kết hợp với blockchain Bitcoin để tăng tốc độ xử lý.

Phần thưởng khối giảm sau mỗi 4 năm

investopedia

Đó chỉ là kịch bản lạc quan nhất cho các tín đồ Bitcoin. Thực tế có thể ảm đạm hơn. Trong trường hợp việc khai thác Bitcoin không còn mang lại lợi nhuận trên bất kỳ phương diện nào, thợ đào Bitcoin có thể cấu kết với nhau, cố gắng kiểm soát tài nguyên khai thác và yêu cầu phí giao dịch cao hơn. Hoặc họ sẽ dùng những chiêu trò gian lận trong quá trình khai thác, chẳng hạn thông đồng để cùng ẩn những khối hợp lệ mới, sau đó phát hành chúng dưới dạng những khối "mồ côi" chưa được xác nhận bởi mạng Bitcoin.

Trong quá trình xác nhận giao dịch, các thợ đào sẽ liên tục tạo ra những khối mới và thêm vào chuỗi. Các chuỗi khối có thể phân nhánh. Chuỗi dài nhất là chuỗi chính với các khối hợp lệ. Các khối không nằm trên chuỗi này được gọi là các khối mồ côi.

Việc ẩn đi các khối hợp lệ có thể làm tăng thời gian xử lý khối, vậy nên các khối mới được thêm vào chuỗi sẽ được trả phí cao hơn.

Đến năm 2140, Bitcoin sẽ được khai thác hết

chụp màn hình

Vấn đề trước mắt

Theo CNBC, quá trình khai thác Bitcoin cần rất nhiều máy móc đắt tiền nên thợ đào hay các công ty thường dùng một phần tiền thưởng khai thác khối để bù đắp chi phí vận hành.

Nhưng khi phần thưởng giảm đi một nửa sau mỗi bốn năm, chi phí vận hành dàn máy rồi sẽ vượt qua số tiền thưởng mà họ kiếm được. Điều này có thể xảy ra ngay cả trước khi tổng lượng Bitcoin cạn kiệt. Tuy nhiên, nếu giá Bitcoin ngày càng tăng lên vì độ khan hiếm, họ vẫn có thể tìm cách cân bằng chi phí.

Trữ lượng Bitcoin cạn kiệt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả những người đầu tư, giao dịch đồng mã hóa này. Bitcoin càng khan hiếm hơn vì nguồn cung hạn chế, giá Bitcoin sẽ tăng cao ngoài sức tưởng tượng, nhưng tình trạng mua bán điên cuồng và làn sóng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) sẽ không dừng lại.

Dù cho Bitcoin được khai thác sạch, nhưng không đồng nghĩa với việc 21 triệu Bitcoin đều được lưu hành trên thị trường. Theo công ty phân tích blockchain Chainalysis, 1/5 số Bitcoin đã khai thác hiện bị mất vì chủ sở hữu quên mật khẩu truy cập ví điện tử, hoặc phần cứng chứa Bitcoin của họ đã bị phá hủy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.