Chuyển đổi số ngành khí tượng thủy văn để tăng cường khả năng dự báo thiên tai

24/12/2021 19:12 GMT+7

Ngành khí tượng thủy văn sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện, trong đó ưu tiên cho việc rà soát và hoàn thiện phần mềm dữ liệu tập trung để tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai.

Đó là một trong những mục tiêu cụ thể trong chương trình công tác ngành khí tượng thủy văn trong năm tới, được chia sẻ tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, do Tổng cục Khí tượng thủy văn quốc gia (Bộ TN-MT) tổ chức chiều nay 24.12, tại Hà Nội.

Ngành khí tượng thủy văn sẽ chuyển đổi số toàn diện, xây dựng dữ liệu tập trung để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới

HOàng Phan

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, năm 2021 là dấu ấn đặc biệt của ngành, lần đầu tiên Ban Bí thư T.Ư Đảng có chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ quy định về cấp độ rủi ro thiên tai và truyền tin thiên tai, cùng hàng loạt các thông tư quy định kỹ thuật tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn ở nhiều góc độ tiếp cận khác nhau.

Cũng theo ông Trần Hồng Thái, trong bối cảnh dịch Covid-19, cán bộ ngành khí tượng thủy văn vượt khó, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai nguy hiểm. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và các đơn vị đã theo dõi và dự báo kịp thời 9 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới; 18 đợt không khí lạnh, 11 đợt nắng nóng và 27 đợt mưa lớn trên diện rộng; 15 đợt lũ trên phạm vi cả nước. Cán bộ, ngành đã làm tốt công tác dự báo phục vụ quy trình liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông toàn quốc; thực hiện các bản tin dự báo xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

“Thông tin dự báo sớm, kịp thời của ngành khí tượng thủy văn đã giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các cơ quan T.Ư và địa phương sớm có hành động quyết liệt nên đã giảm được 54%, thiệt hại về người và giảm 78% thiệt hại về tài sản so với trung bình 10 năm vừa qua”, ông Thái nói.

Biến đổi khí hậu đặt ra nhiều thách thức

Trong năm 2021, ngành khí tượng thủy văn quốc gia đã triển khai thực hiện các hoạt động cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai. Đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn theo chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Bộ TN-MT.

Thế nhưng, biến đổi khí hậu đang có diễn biến khó lường khiến các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn cực đoan có xu hướng ngày càng gia tăng về cường độ và tần suất lặp lại, là thách thức cho ngành khí tượng thủy văn. Điển hình là lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi; khoảng trống số liệu khí tượng thủy văn ở khu vực Biển Đông, đặc biệt ở vùng biển và ven biển Tây Nam của đất nước… Để giải quyết được những thách thức này thì cần có sự đoàn kết, nỗ lực chung của đội ngũ cán bộ trong toàn ngành.

Theo chương trình, kế hoạch công tác năm 2022, Tổng cục Khí tượng thủy sẽ chỉ đạo chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực khí tượng thủy văn, trong đó ưu tiên trọng tâm cho việc rà soát, hoàn thiện hệ thống phần mềm dữ liệu tập trung giúp các đơn vị tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.