Chuyển đổi số ngân hàng: Thành công nằm ở hạt nhân lan tỏa tinh thần trải nghiệm

17/10/2022 14:00 GMT+7

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi số . Ở thời điểm hiện tại, toàn ngành ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để có thể giữ ngọn cờ tiên phong trong chuyển đổi số, ngành ngân hàng cần có được những hạt nhân mang tinh thần thử nghiệm, trải nghiệm, không ngại thử thách.

Cuộc chạy đua chuyển đổi số trong ngành ngân hàng Việt Nam

Trong hơn 3 năm hoành hành, đại dịch Covid-19 đã có những tác động không nhỏ lên mọi mặt của đời sống, xã hội. Trong đó, hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi rõ rệt nhất khi các giao dịch trực tuyến như: Mua sắm online, thanh toán, chuyển khoản... qua các ứng dụng ngân hàng ngày càng phổ biến. Tất cả những thói quen đó đang dần thay thế cho các phương thức giao dịch truyền thống.

Chuyển đổi số mang tới những dịch vụ mới như Wealth Management của MB

Ngay khi nhận thấy được những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng số hóa các giao dịch và dịch vụ của mình như: mở tài khoản, việc mở thẻ tín dụng, vay tiền, tiết kiệm, mua sắm… cũng được thực hiện trực tuyến trên nền tảng ngân hàng số.

“Trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn giao dịch, thanh toán mua hàng hóa bình thường. Đấy là những kết quả mà nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được”, đại diện Hiệp hội Ngân hàng đánh giá tại buổi Tọa đàm với chủ đề “Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi”.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng lớn của Việt Nam đã “bước” vào công cuộc chuyển đổi số sớm và thu được kết quả rất đáng khích lệ. Đó là CASA (Current Account Savings Account - tiền gửi không kỳ hạn) lên đến 40-50% góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn.

Trong khi đó, đại diện Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước thông tin, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỉ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Việt Nam hiện là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, 95% đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0, chẳng hạn như là điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hóa, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay đó là việc quản lý và sử dụng dữ liệu của các ngân hàng tại Việt Nam còn ở mức sơ khai. Một trong số đó là việc các ngân hàng chỉ đang hoạt động trên nền tảng số do chính ngân hàng mình tạo ra.

Theo đánh giá đại diện Ngân hàng số của SmartOSC - Đối tác hàng đầu của Backbase tại Việt Nam, việc tự xây dựng ngân hàng số đang là hướng đi được nhiều ngân hàng tại Việt Nam áp dụng. Ưu điểm của cách làm này là mang tính linh hoạt và chủ động cao cho mỗi ngân hàng. Về ngắn hạn, cách làm này sẽ nhanh chóng giúp các ngân hàng đưa sản phẩm ra thị trường, tuy nhiên, về lâu dài hướng đi này lại tốn kém nhất.

Muốn thành công phải sáng tạo, đổi mới

“Thành công không chỉ là vấn đề công nghệ mà là mô hình kinh doanh tạo được sự đột phá, sáng tạo”. Đại diện Mambu Việt Nam nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ trong việc triển khai chuyển đổi số để tạo ra các giá trị mới trong toàn ngành ngân hàng.

Để đáp ứng được sự thay đổi, các ngân hàng phải chuyển đổi số. Nhưng chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là công nghệ số hóa mà là thay đổi toàn diện về chiến lược và mô hình kinh doanh, có những tư duy hoàn toàn mới.

Nắm bắt được tinh thần đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã đưa ra các giải pháp chuyển đổi số sáng tạo, tiên phong trong hoạt động tài chính ngân hàng Việt Nam. Vào tháng 11.2021, MB đã ra mắt Không gian sáng tạo số - Innovation Lab.

Innovation Lab đánh dấu bước tiến vượt bậc của MB trong công cuộc chuyển đổi số

Mang phong cách Digital Factory với những khu chức năng được thiết kế độc đáo và hài hòa, tận dụng tối đa diện tích để tạo ra không gian linh hoạt, thúc đẩy sự sáng tạo, tạo điều kiện ứng dụng tư duy thiết kế cho tất cả các thành viên tại mọi thời điểm, Innovation Lab được đánh giá là một trong những không gian sáng tạo ấn tượng nhất của ngành tài chính ngân hàng hiện nay.

Theo đại diện Innovation Lab - các dự án sáng tạo tại Innovation Lab sẽ được triển khai theo mô hình triển khai dự án linh hoạt (agile) và tư duy thiết kế (design thinking), đặt khách hàng làm trung tâm trong mọi giải pháp.

Sau những năm hoạt động với Innovation Lab, giờ đây MB mong muốn chuyển mình để lan tỏa tinh thần thử nghiệm rộng ra toàn ngành tài chính, toàn xã hội với những sản phẩm như iNhandao, MB Developer...

Năm 2021, MB đã có tới 10 dự án công nghệ tiêu biểu bao gồm: Chuyển dịch tài khoản số đẹp; CRM Next Gen; MBee chat; Smart Channel; PayRoll; MPA; MB RPA New; MB BPM Framework; MB OCR Platform; DLM T24.

Để có được những kết quả trên, bản thân MB đã nhìn nhận được rằng, thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khách hàng hàng ngày càng đòi hỏi những sản phẩm chất lượng hơn, tiện ích hơn. Vì vậy để có thể đạt được kết quả tốt hơn những ngân hàng khác, MB cần nhanh hơn, thông minh hơn, CEO Lưu Trung Thái từng khẳng định: “Ngân hàng to hơn không còn quan trọng, bây giờ quan trọng là ai thông minh hơn, nhanh hơn”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.