Chuyển đổi số - chuyến tàu không thể lỡ: Đừng để bị bỏ lại phía sau

Nữ Vương
(thực hiện)
25/08/2023 07:52 GMT+7

Chuyển đổi số với trụ cột là sự thay đổi tư duy số, xây dựng và ứng dụng các nền tảng công nghệ thì không ai khác ngoài những người trẻ có thể làm tốt nhất công việc này. Nếu người trẻ bỏ lỡ cơ hội này, họ sẽ là những người bị bỏ lại ở phía sau…

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với anh Lưu Đức Phong, Phó giám đốc Trung tâm vận hành khai thác toàn cầu, Tổng công ty mạng lưới Viettel, thuộc Tập đoàn Công nghệ viễn thông Quân đội Viettel, xoay quanh câu chuyện chuyển đổi số của người trẻ hiện nay. Anh Phong hiện đang tham gia việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm chuyển đổi số tại đơn vị, tập đoàn và ứng dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp tại VN.

Chuyển đổi số - chuyến tàu không thể lỡ: Đừng để bị bỏ lại phía sau - Ảnh 1.

Anh Lưu Đức Phong

Thưa anh, hiện nay nhiều người nhận định chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ, anh nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi nếu là chuyến tàu thì sẽ có người lên sớm, người lên muộn và người nhỡ tàu. Người mua vé sớm, lên sớm sẽ có cơ hội chọn những vị trí đẹp và thuận lợi để có thể yên tâm cho một chuyến hành trình; những người lên muộn thì sẽ không còn vị trí đẹp nữa, thậm chí còn phải cạnh tranh với những người giống mình, rất vất vả, nhưng dù sao thì ít nhất cuối cùng cũng đến được đích; còn những người bỏ lỡ, không lên được tàu có nghĩa họ chỉ còn có thể nhìn chuyến tàu vút qua trong tiếc nuối và bị bỏ lại ở phía sau.

Các cuộc cách mạng công nghệ cũng giống như những chuyến tàu, đã giúp cho nhiều quốc gia trở thành các cường quốc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số sẽ là cơ hội để chúng ta trở thành những người có chiếc vé sớm giúp đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng.

Người trẻ có thế mạnh là sức trẻ, là những người luôn muốn đi tìm thứ mới mẻ, muốn khẳng định mình bằng những thành tựu, đặc biệt có thể họ chưa có nhiều thứ để phải sợ hãi. Chuyển đổi số với trụ cột là sự thay đổi tư duy số, xây dựng và ứng dụng các nền tảng công nghệ thì không ai khác ngoài những người trẻ có thể làm tốt nhất công việc này. Cuộc sống của thanh niên hiện nay gắn liền với các thiết bị, nền tảng số; họ đã sống trong thế giới công nghệ, do đó đây chính là đối tượng gần và tốt nhất để dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại VN. Nếu người trẻ bỏ lỡ cơ hội này, họ sẽ là những người bị bỏ lại ở phía sau vào một ngày nào đó.

Anh có thể cho dẫn chứng về những tác động tích cực mà chuyển đổi số mang lại trong chính những gì anh và cả đội ngũ của mình đã làm được?

Việc khó của chuyển đổi số, công nghệ đó là tạo ra các nền tảng và được sử dụng bởi nhiều người, nhiều tổ chức. Khi càng nhiều người dùng thì nền tảng càng hoàn thiện và càng nhiều tổ chức dùng thì chi phí càng rẻ. Ví dụ một trong số những sản phẩm mà tôi và các cộng sự tạo ra đó là nền tảng số hóa cho các doanh nghiệp, tổ chức bằng công nghệ mã thấp low-code. Chúng tôi giúp việc phát triển các ứng dụng nhanh hơn gấp 5 lần, tiết kiệm 70% chi phí và thời gian thay đổi gần như tức thì. Nó giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn, thay vì phải chờ sản phẩm trong vòng vài tháng thì bây giờ có thể phát triển ứng dụng trong khoảng thời gian ngắn, chỉ 1 tuần. Điều này giúp cho những người không có kiến thức chuyên môn sâu về IT cũng có thể tham gia phát triển các sản phẩm công nghệ.

Chuyển đổi số - chuyến tàu không thể lỡ: Đừng để bị bỏ lại phía sau - Ảnh 2.

Anh Lưu Đức Phong và cộng sự xây dựng các sản phẩm chuyển đổi số tại đơn vị, tập đoàn và ứng dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp tại VN

NVCC

Bên cạnh đó, tôi và các cộng sự cũng xây dựng các nền tảng "Make in Viet Nam" để giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các tập đoàn, doanh nghiệp tại VN với hơn 200 ứng dụng được tạo ra từ các nền tảng và đóng góp vào xây dựng đô thị thông minh cho hơn 20 tỉnh, thành phố tại VN. Các sản phẩm cũng đạt được những giải thưởng trong và ngoài nước như: IT World Award, Make in Viet Nam, Chuyển đổi số Việt Nam, Sao Khuê.

Từ khi T.Ư Đoàn chọn chủ đề công tác là "Năm chuyển đổi số các hoạt động Đoàn", anh đã thấy được những tín hiệu tốt như thế nào từ việc thanh niên tham gia vào quá trình chuyển đổi số?

Tôi may mắn được tiếp xúc với các anh chị trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn, các anh chị đều là những đầu tàu, dẫn dắt triển khai các chương trình, hoạt động chuyển đổi số một cách hiệu quả, thực chất. Từ những người đứng đầu, tôi cảm nhận một năng lượng tích cực về chuyển đổi số lan tỏa đến thanh niên và tổ chức Đoàn các cấp.

Theo con số trên báo chí thống kê cho thấy 3 tuần đầu của Tháng Thanh niên năm 2023, toàn Đoàn đã tổ chức được 123.507 hoạt động chuyển đổi số với 2.648.230 người được tiếp cận các hoạt động chuyển đổi số do Đoàn, Hội tổ chức… Qua đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân; khẳng định vai trò xung kích của tuổi trẻ trong việc tham gia quá trình chuyển đổi số quốc gia.

T.Ư Đoàn xác định mục tiêu trong năm 2023 sẽ có 60% thanh thiếu nhi được tiếp cận các hoạt động nâng cao năng lực số do tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp triển khai thực hiện; 40% thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 50% thanh niên sử dụng tài khoản thanh toán điện tử. Đây là những con số rất tích cực.

Mặc dù người trẻ là đối tượng rất nhạy bén với công nghệ và được nhận định là lực lượng chính, tiên phong trong chuyển đổi số, tuy nhiên có còn những khó khăn và vướng mắc nào trong việc người trẻ tham gia vào công cuộc này, thưa anh?

Đầu tiên là chênh lệch kỹ năng. Mặc dù nhiều người trẻ có khả năng sử dụng công nghệ, nhưng cũng có những sự chênh lệch về mức độ kỹ năng. Một số người trẻ có khả năng vượt trội trong việc sử dụng công nghệ, trong khi những người khác thì ngược lại.

Thứ hai là sự am hiểu sâu công nghệ. Sử dụng công nghệ chỉ ở mức cơ bản có thể dễ dàng, nhưng hiểu rõ về cách hoạt động cụ thể và khả năng áp dụng chúng trong các bối cảnh phức tạp có thể đòi hỏi kiến thức sâu hơn.

Kế đến là an toàn thông tin trực tuyến. Người trẻ có thể chưa nhận thức rõ về các rủi ro và biện pháp bảo mật khi sử dụng công nghệ và tham gia trực tuyến. Điều này có thể dẫn đến việc họ bị lừa đảo hoặc để lộ thông tin cá nhân.

Một yếu tố cũng ảnh hưởng không nhỏ chính là văn hóa số. Chuyển đổi số cũng thể hiện một sự chuyển đổi văn hóa và tư duy. Một số người trẻ có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với những thay đổi này.

Và cuối cùng là ngại thay đổi. Một số người trẻ có thể có sự sợ hãi hoặc kháng cự với sự thay đổi, đặc biệt là liên quan đến công nghệ mới.

Để không bị lỡ chuyến tàu, người trẻ cần trang bị cho mình những kỹ năng và điều kiện cần, đủ như thế nào, thưa anh?

Theo tôi, đầu tiên là kỹ năng sử dụng công nghệ. Kỹ năng cơ bản về sử dụng các thiết bị và ứng dụng công nghệ là rất quan trọng.

Thứ hai là tư duy sáng tạo. Đây là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số. Người trẻ cần khả năng tư duy sáng tạo tìm ra cách sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề và tạo ra giá trị mới.

Thứ ba là kiến thức cơ bản về lập trình và phân tích dữ liệu. Hiểu biết về lập trình cơ bản giúp người trẻ hiểu rõ hơn về cách hoạt động của các ứng dụng, tạo điều kiện để có khả năng tạo ra các giải pháp tùy chỉnh. Còn hiểu về cách phân tích dữ liệu giúp người trẻ hiểu rõ hơn về xu hướng và thông tin cơ bản được trích xuất từ dữ liệu.

Thứ tư là nắm rõ về nguy cơ an toàn thông tin. Và cuối cùng là khả năng thích nghi linh hoạt. Chuyển đổi số thường đi kèm với những thay đổi nhanh chóng. Người trẻ cần có khả năng thích nghi và linh hoạt để đối phó với những thay đổi này.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.