Chuyện cổ vật hồi hương: Hy Lạp căng thẳng với Anh về thu hồi cổ vật

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
04/11/2022 07:03 GMT+7

Tranh chấp kéo dài giữa Anh và Hy Lạp về kho báu cổ bùng phát căng thẳng sau khi Hy Lạp yêu cầu trả lại các tác phẩm văn hóa bị đánh cắp.

Bảo tàng Anh ở London từ chối trả lại Parthenon Marbles - tác phẩm điêu khắc 2.500 năm tuổi mà nhà ngoại giao Anh “Lord” Elgin đã “di dời” khỏi Athens vào đầu thế kỷ 19 khi Hy Lạp dưới sự cai trị của Đế quốc Ottoman.

Một bản dự thảo về lập trường của 27 quốc gia thuộc EU trong việc đàm phán với Anh về mối quan hệ trong tương lai của họ, được Hãng tin Reuters công bố nhằm tìm kiếm phương thức “trả lại hoặc phục hồi các vật thể văn hóa bị chuyển đi bất hợp pháp từ quốc gia xuất xứ”.

Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp cho biết Athens sẽ đẩy mạnh chiến dịch vận động trao trả Parthenon Marbles và dự kiến sẽ giành được nhiều sự ủng hộ hơn từ các nước châu Âu.

Nghi vấn cổ vật bị chiếm đoạt bằng tiền hối lộ Bảo tàng Anh xác nhận Parthenon Marbles - gần bằng một nửa bức phù điêu dài 160 m trang trí ngôi đền Parthenon thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên - đã được Elgin mua lại theo hợp đồng hợp pháp với Đế quốc Ottoman. Trong gần 2 thế kỷ, Bảo tàng Anh là nơi lưu giữ Parthenon Marbles. Tuy nhiên Hy Lạp nói cổ vật này bị đánh cắp.

Tác phẩm điêu khắc Parthenon Marbles được trưng bày tại Bảo tàng Anh ở London

REUTERS

Bình luận về bản dự thảo của EU, một phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết quan điểm của Vương quốc Anh đối với các tác phẩm điêu khắc là chúng vẫn thuộc “trách nhiệm pháp lý của Bảo tàng Anh”.

Hy Lạp tuyên bố tăng cường chiến dịch hồi hương các tác phẩm điêu khắc Parthenon trong bối cảnh có những dấu hiệu “lạc quan” rằng dư luận Anh đã chuyển hướng rõ rệt trong việc ủng hộ trả lại Parthenon Marbles cho Athens.

Chính phủ Hy Lạp nói sẽ gia tăng áp lực để hồi hương các cổ vật từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Tasos Chatzivasileiou, một nghị sĩ kiêm cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Thủ tướng Hy Lạp, cho biết: “Các tác phẩm điêu khắc là mối liên kết quan trọng nhất giữa người Hy Lạp hiện đại và tổ tiên. Chiến lược của chúng tôi sẽ là tăng cường áp lực để vấn đề này được giải quyết”.

Cũng cần nhắc lại, từ đầu những năm 1980 khi cựu Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp Melina Mercouri lần đầu tiên yêu cầu hồi hương cổ vật thì nỗ lực đòi lại Parthenon Marbles “bị lưu đày” mới được dư luận chú ý. Các chính phủ tiếp theo của Hy Lạp lập luận rằng phần nhiều cổ vật bị đánh cắp vào thời điểm quốc gia nằm dưới ách thống trị của Đế quốc Ottoman và không có tiếng nói. Di sản văn hóa vẫn là một điểm đen trong mối quan hệ Anh - Hy Lạp.

Từng ngồi bàn đàm phán ở Phố Downing (Anh) vào tháng 11.2021 khi Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis chính thức nêu vấn đề thu hồi cổ vật, nghị sĩ Chatzivasileiou cho biết: “Quan hệ song phương của hai nước có từ nhiều thế kỷ trước…, nhưng chúng tôi tin rằng chúng ta cần làm việc chăm chỉ cùng nhau để lật đổ sự bất công đang đè nặng lên trái tim người Hy Lạp”.

Trong một cuộc thăm dò hồi cuối năm 2021 của YouGov được tiến hành vài ngày sau cuộc gặp của nhà lãnh đạo Hy Lạp với cựu Thủ tướng Boris Johnson, 59% người Anh tin rằng cổ vật nên trả về Hy Lạp.

Sự lạc quan của người Hy Lạp càng tăng lên khi một tác phẩm của đền Parthenon được Ý trả về cho Athens

THE GUARDIAN

Boris Johnson, người nhiệt tình ủng hộ việc hồi hương cổ vật khi còn là sinh viên Đại học Oxford, cho rằng tranh chấp nên được thảo luận với những người quản lý bảo tàng, mặc dù UNESCO gần đây ra phán quyết đó là vấn đề cần giải quyết của hai chính phủ.

Bảo tàng Anh thì khẳng định nhà ngoại giao “Lord” Elgin không chỉ “hành động với đầy đủ kiến thức về luật và sự cho phép của các cơ quan hành pháp thời đó ở cả Athens lẫn London” mà “các hoạt động của ông đã được một ủy ban tuyển chọn của quốc hội điều tra kỹ lưỡng vào năm 1816, công bố hoàn toàn hợp pháp”. Khi bị phá sản và tuyệt vọng, “Lord” Elgin đã bán bộ sưu tập cho bảo tàng với giá 35.000 bảng Anh.

Trong một diễn biến khác, sự lạc quan của người Hy Lạp càng tăng lên khi một phần tác phẩm của đền Parthenon được Ý trả về cho Athens. Đây được coi là một “chiến thắng đạo đức” cho đất nước.

Từng ghi lại các chiến thuật mà Elgin sử dụng để hối lộ quan chức Ottoman trong cuốn Who Owns History bán chạy nhất của mình, luật sư nhân quyền Geoffrey Robertson cho biết tình hình rõ ràng đang thay đổi. Ông nói: “Lời nói dối được Bảo tàng Anh và chính phủ Anh nhắc đi nhắc lại rằng cổ vật được mua hợp pháp không còn bền vững nữa. Parthenon Marbles bị đánh cắp bằng cách hối lộ và tham nhũng - ngay cả một sinh viên năm nhất cũng có thể xem bằng chứng… không có giấy phép của quốc vương. Những chỉ huy quân sự ở thành Acropolis (Athens) bị mua chuộc bằng tiền bạc và những món quà xa hoa”.

Sau nhiều nỗ lực ngoại giao thất bại để giành lại các kho báu, Geoffrey Robertson tin rằng chỉ có đe dọa bằng hành động pháp lý mới có thể giải tỏa được bế tắc.

Nghị sĩ Chatzivasileiou xác nhận: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cổ vật cho các cuộc triển lãm luân phiên của Vương quốc Anh. Chúng tôi đã nói với họ “các phòng trong Bảo tàng Anh sẽ không bao giờ trống kho báu Hy Lạp”. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này dứt điểm một lần”. (còn tiếp)

Parthenon Marbles được mệnh danh “tác phẩm điêu khắc của Parthenon”, là bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch của Hy Lạp cổ đại được thực hiện theo sự giám sát của kiến trúc sư và nhà điêu khắc Phidias cùng các trợ lý của ông. Chúng là những phần nguyên thủy của đền Parthenon mô tả các cấu trúc nghi lễ linh thiêng, được hoàn thiện trên tường thành Acropolis ở Athens vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên.

Chuyện cổ vật hồi hương

Ai Cập thu hồi cổ vật bị đánh cắp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.