Chuyện "cải cách" mâm cỗ làng quê

20/08/2005 15:15 GMT+7

Khi đời sống ngày càng phát triển thì theo đó mâm cỗ cưới cũng ngày một thịnh soạn và... tinh tế hơn. Điều này đôi khi trở thành một nỗi lo đối với nhiều bạn trẻ ở các làng quê khi sắp phải tính chuyện lập tổ ấm riêng cho mình.

 

 

 

Mới đây, Thành - em họ tôi là thợ xây từ Phú Thọ vào TP.HCM kiếm việc. Cậu tâm sự: "Em sẽ cố gắng gom góp trong 1-2 năm, đủ một vài chục triệu tiền cưới vợ là em về quê ngay". Nhiều người ngạc nhiên: Cưới ở quê gì mà tốn kém vậy ? Thành cười: "Ở quê bây giờ "kềnh dềnh" chẳng kém gì thành thị. Cũng tốn kém lắm, mà dân quê lấy đâu ra tiền nhiều để mừng? Trung bình mỗi người mừng hai chục, đi năm chục ngàn đồng là sang. Anh em thân thuộc mỗi nhà mừng trăm ngàn bạc thì kéo cả già trẻ lớn bé sang ăn 2, 3 ngày từ khi bắc rạp".

 

Thành ngồi liệt kê ra: nào tiền thuê váy áo cưới cho cô dâu chú rể, nếu cách làng thì mất tiền thuê ô tô, tiền phông rạp, tiền chụp hình làm album, "phong bì" chạm ngõ nhà gái, anh nào sang còn thuê ghi hình video. Nhưng có lẽ gay go nhất vẫn là khoản tiền cỗ cưới.

 

Quả thực, mâm cỗ ở quê bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Ngày trước cỗ thiên về nhiều số lượng bát đĩa trên mâm thì nay lại thiên về chất lượng. Những lần về quê ở làng Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, Phú Thọ, tôi từng được nghe kể khá nhiều về chuyện "cải cách" mâm cỗ cưới ở đây. Bắt đầu là đám cưới con ông chủ tịch xã lấy một cô gái người thành phố, được tổ chức rất linh đình: từ cách trang trí đám cưới tới mâm cỗ cưới khiến bà con phải xuýt xoa… Dần dà không ai bảo ai nhưng nhà nào cưới cũng lấy mâm cỗ cưới nhà ông chủ tịch làm gương. Sau đó, người ta đua nhau "đầu tư" vào mâm cỗ cưới cho thật phong phú, khác người.

 

Đầu tiên phải kể đến chuyện thịt mỡ biến mất khỏi mâm cỗ: món thịt luộc, bát chuối nấu thịt ba chỉ không còn được ai đụng đũa trong mâm cỗ cưới. Những loại giò mỡ, giò lòng - món "truyền thống" của cỗ xưa cũng không mấy được đả động đến nữa. Cưới xịn thời nay chẳng mấy nhà mổ lợn, tốt hơn hết là đi ra ngoài mua thịt nạc cho đỡ bị ế thịt mỡ! Có một dạo, tự nhiên trên mâm cỗ cưới "lạ" hẳn đi bởi sự xuất hiện của… 6 trái trứng, được gọi là món "bồi dưỡng" sau khi uống rượu. Cũng chẳng nhớ ai là người đầu tiên đưa "chiêu" trứng luộc này vào song nó đã tồn tại một thời gian khá dài và thậm chí trong nhiều tiệc cưới thiếu món này lập tức bị đánh giá là cỗ không… sang (!). "Khúc biến tấu" từ trứng luộc chính là… trứng cút, cũng là một sự đổi mới thú vị. Cỗ cưới nông thôn bây giờ lại đưa thêm vào món tráng miệng học được từ cỗ cưới thành thị: trái cây, bánh ngọt, xôi chè…

 

Thành cho biết: cỗ cưới sang ở quê thời nay phải đưa vào những món đặc sản như thịt bò, thịt lươn, thịt thỏ. Nếu thịt gà phải đúng loại gà ta chứ gà công nghiệp hoặc gà tam hoàng là coi như mất sang. Nhà ai mà nghĩ ra món độc đáo sẽ coi như một sự kiện để bà con bình phẩm. Ấn tượng nhất là có nhà đã đưa vào mâm cỗ cưới món… mộc tồn, được dân mê nhậu hoan nghênh nhiệt liệt, coi như một sáng tạo độc nhất vô nhị! Cỗ cưới sang thường có bia chai. Nếu uống rượu gạo thì phải là loại nếp cái hoa vàng hạ thổ 100 ngày mới đạt tiêu chuẩn cỗ cưới xịn!

 

Ở các làng quê, sau mỗi đám cưới bao giờ cũng có phần bình phẩm. Có người đã nói vui: "Bị chê cô dâu xấu đành chịu chứ bị chê cỗ bé thì ấm ức lắm! Đã thế, nhiều người dân quê đi ăn cưới nhìn sơ qua thấy cỗ xoàng đã lẻn ra sau nhà rút bớt tiền mừng khỏi phong bì trước khi gửi đến tay cô dâu chú rể".

 

Trung bình, mỗi đám cỗ phải tốn từ 8 đến 25 triệu đồng, cộng tiền mừng cưới nhà nào may lắm thì hòa vốn, còn lại đa số là thâm thủng ngân sách. Xem ra, ăn uống là chuyện nhỏ nhưng lại không hề nhỏ chút nào đối với các bạn trẻ mới vào đời. Bởi thế sau nhiều đám cưới, đôi vợ chồng trẻ thay vì hưởng tuần trăng mật thì phải lo sốt vó, lao ra thành phố buôn thúng bán bưng, làm thuê lần hồi để dành tiền trả nợ cho bữa tiệc của ngày hạnh phúc. Hẳn là cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ đã kém vui đi rất nhiều…

 

Nguyễn Y Linh

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.