Chuyện bấm còi xe

10/01/2022 14:01 GMT+7

Còi xe vốn là một thiết bị bắt buộc phải lắp đặt trên các phương tiện xe cộ khi tham gia giao thông, với mục đích cơ bản là nhắc nhở và cảnh báo khi cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người do không hiểu được mục đích của thiết bị này, nên đã sử dụng tiếng còi một cách tùy tiện.

Không chỉ khiến người xung quanh vô cùng khó chịu và ức chế, tiếng còi xe bấm tùy tiện còn góp phần gây ô nhiễm tiếng ồn bởi đủ thứ tạp âm trên đường phố. Thậm chí, trong một số trường hợp, sức khỏe và tính mạng của người tham gia giao thông còn bị ảnh hưởng bởi tiếng còi hơi với công suất lớn.

Đã không ít lần cá nhân tôi vô tình đi bên cạnh hay phía trước một chiếc xe tải và giật bắn cả người vì tiếng còi xe với âm lượng cực đại. Nhiều bạn bè, người thân, đồng nghiệp của tôi cũng gặp phải tình trạng tương tự như thế, thậm chí có người còn vì âm thanh giật mình mà loạng choạng té ngã, gây ra những tai nạn bất ngờ. Dù thế, nhiều người khi sử dụng xe máy, xe tải, taxi, xe buýt…thường có thói quen bấm còi liên tục.

Đặc biệt là những thời điểm chờ đèn đỏ, khi tín hiệu chỉ còn khoảng vài giây, nhiều người đã tranh thủ hối thúc người đi phía trước bằng hàng loạt tiếng còi ầm ĩ. Đó là chưa kể tình trạng lạm dụng tiếng còi xe diễn ra mọi lúc mọi nơi. Nhiều cá nhân khi đi qua những đoạn đường có trường học, bệnh viện, nơi thờ tự tôn nghiêm… mặc cho quy định là cần hạn chế tiếng ồn, vẫn thản nhiên bấm còi liên tục và kéo dài.

Nhiều người khi sử dụng xe máy, xe tải, taxi, xe buýt…thường có thói quen bấm còi liên tục

đậu tiến đạt

Việc sử dụng còi xe như thế nào cho phù hợp, đúng cách và văn minh?

Bản thân tôi và rất nhiều người khi có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài đều nhận thấy sự khác biệt rất lớn về văn hóa tiếng còi ở nước ta với các quốc gia khác. Tại Việt Nam, việc sử dụng còi xe đã trở thành thói quen khó bỏ của nhiều cá nhân. Tiếng còi xe không chỉ là công cụ thông dụng để xin đường, báo vượt, nhắc đèn đỏ mà còn được sử dụng như một phương tiện để ra lệnh hoặc trêu chọc những người chung quanh. Tuy nhiên, khi ra nước ngoài sinh sống, bạn hiếm khi nghe được tiếng bấm còi xe, dù khi đi bộ sang đường hoặc đứng ở vỉa hè.

Chị T, một người đam mê du lịch, chia sẻ góc nhìn của mình sau những chuyến đi: “Tôi từng đi du lịch đến gần 10 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là châu Á và châu Âu, nhưng không ở đâu nghe thấy tiếng còi xe nhiều như ở Việt Nam, thậm chí có những thành phố chẳng hề nghe thấy tiếng còi xe. Mọi thứ diễn ra cực kỳ trật tự, ai nấy đều chấp hành đúng theo làn đường, theo tín hiệu đèn giao thông nên không cần phải sử dụng đến còi xe”.

Thiết nghĩ, việc xây dựng ý thức cho người tham gia giao thông là cả một quá trình dài. Câu chuyện về tiếng còi xe tưởng chừng đơn giản nhưng lại cực kỳ phức tạp trong quá trình sử dụng sao cho phù hợp và văn minh khi lưu thông trên đường phố. Tiếng còi xe, ngỡ chỉ là âm thanh, nhưng thực tế lại phản ánh rất rõ văn hóa giao thông của người lái. Bản thân tôi rất đồng tình với ý kiến này vì nhiều lần có dịp đi công tác sang Singapore và Thái Lan, rất hiếm khi nghe được tiếng còi xe. Người ta chỉ dùng một tiếng còi ngắn trong trường hợp mất an toàn, cũng bởi chính phủ có quy định rất rõ ràng về việc sử dụng còi, mức độ âm thanh, các khung giờ được phép sử dụng.

Do đó, thay vì hành xử thiếu ý thức, cố gắng bấm còi thật lớn theo kiểu “còi to cho vượt”, nhằm mục đích gây áp lực cho những người chung quanh, chúng ta hãy học cách chậm rãi, khoan thai và cẩn trọng khi sử dụng còi xe. Đó cũng là cách để giảm thiểu hiện tượng ô nhiễm tiếng ồn và các vụ tai nạn giao thông do giật mình vì tiếng còi xe trên đường phố. Cũng bởi, đường là của chung tất cả mọi người, chúng ta không nên dùng còi xe để thể hiện thái độ hơn thua.

Để hưởng ứng và lan tỏa tinh thần của Hội nghị văn hóa toàn quốc, từ ngày 4.1, Báo Thanh Niên mở "Diễn đàn văn hóa giao thông" với mục tiêu góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh.

Chúng tôi rất mong quý độc giả, bạn đọc trên toàn quốc tham gia đóng góp bằng cách gởi bài, hình ảnh đẹp, tích cực cũng như những mặt hạn chế, tiêu cực diễn ra xung quanh cuộc sống hằng ngày về các sự việc, hiện tượng, vấn đề liên quan đến việc chấp hành pháp luật về giao thông cũng như các hành vi, thói quen, văn hóa giao thông để cùng chung tay xây dựng một nền văn minh giao thông tại Việt Nam.

Địa chỉ email của Diễn đàn: vanhoagiaothong@thanhnien.vn

Xin chân thành cảm ơn quý độc giả.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.