Chụp ảnh khỏa thân ở hồ sen: Tranh cãi là điều hiển nhiên!

Nguyên Trang
Nguyên Trang
13/06/2019 22:02 GMT+7

Nhiếp ảnh gia Đại Ngô cho biết, với ảnh khỏa thân , tôi cho rằng tranh cãi là việc hiển nhiên khi người chụp, người được chụp chấp nhận hoặc bị phổ biến rộng rãi tác phẩm đến nhiều người...

Những bức ảnh khỏa thân ở 'Tuyệt tình cốc', rừng thông Đà Lạt, mới đây là hồ sen... vừa được đăng tải lập tức bị cư dân mạng bình luận tiêu cực, chế ảnh giễu cợt.

Quyền cá nhân của mỗi người

Theo Trần Minh Quân, Trưởng phòng marketing một Công ty mỹ phẩm V10Plus, quận 7, TP.HCM, thì mọi người đều có quyền chụp và khoe ảnh của mình. “Tôi thấy chụp ảnh nude ở hồ sen hay Đà Lạt… cũng bình thường. Người ta thích thì chụp thôi, không ảnh hưởng đến ai. Người ta chụp để cá nhân xem, kiểu lưu giữ hình ảnh đẹp của mình. Việc các cô, các chị mặc áo yếm, hay chụp nude ở ao sen… tôi nghĩ họ cũng không cố tình để lộ cơ thể ra. Việc mình thấy trên mạng có thể là do người khác chụp lén, đưa lên bình phẩm thôi. Hơn nữa, ở ao sen không hẳn là công cộng, vì người ta cũng phải bỏ tiền mua vé. Và ao sen cũng phục vụ cho chuyện chụp ảnh. Tôi không đánh giá bức ảnh đẹp hay xấu, mà tôi lên án những người cố tình đăng ảnh lên mạng để bình phẩm. Chính điều này mới khiến người ta nghĩ xấu việc chụp ảnh khỏa thân”.
Cũng đồng tình với Trần Minh Quân, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng marketing của một resort tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ thêm: “Nên tìm những nhiếp ảnh có tâm để chụp ảnh khỏa thân. Cũng cần chú ý thêm về địa điểm, quan sát xem trước sau có ai đang theo dõi quá trình chụp ảnh của mình không, tránh làm phiền nơi công cộng. Với cư dân mạng, tôi nghĩ đừng đăng ảnh câu like, câu view, hay chê bai người khác. Mỗi người đều chịu hệ quả do hành động của mình gây ra...”.

Phải dùng ánh sáng, bối cảnh để làm sao tôn nhân vật trong ảnh


Từng chụp nhiều bộ ảnh nude, nhiếp ảnh gia Duy England, người có gần 20 năm chụp ảnh cho nghệ sĩ, người nổi tiếng, chia sẻ: “Không chỉ nghệ sĩ mà nhiều người đến nhờ tôi chụp ảnh nude. Mọi người muốn giữ lại khoảnh khắc đẹp nhất, thời thanh xuân của mình qua bức ảnh. Họ sợ sau này già, xấu, mập lên mất dáng, nhiều chị sau khi sinh con thì mập lên, da rạn… nên họ muốn chụp lại làm kỷ niệm. Mình tôn trọng mong muốn đó nên đồng ý chụp. Hơn nữa, khi chụp mình phải dùng ánh sáng, bối cảnh để làm sao tôn nhân vật trong ảnh. Ảnh đẹp mà không phô, những điểm nhạy cảm trên cơ thể không thành dung tục. Chi phí để chụp ảnh nude thường gấp đôi chụp ảnh thông thường. Vì mình phải dành nhiều thời gian để tạo bối cảnh, phối cảnh ánh sáng, chỉnh sửa… tạo nên bức ảnh nude mà khách hàng xem ưng ý khó hơn nhiều nên chi phí phải cao...”. 
Theo nhiếp ảnh gia Đại Ngô: “Riêng với ảnh khỏa thân, tôi cho rằng tranh cãi là việc hiển nhiên khi người chụp, người được chụp chấp nhận hoặc bị phổ biến rộng rãi tác phẩm đến nhiều người... Tôi chưa và cũng không bao giờ có ý định chụp ảnh khỏa thân, vì đó là một phạm trù rất khác những gì tôi đang theo đuổi nên tôi không dám lạm bàn. Tuy nhiên, nghệ thuật và cái đẹp nói chung thường hướng người ta đến các giá trị chân, thiện, mỹ. Việc biểu đạt ảnh khỏa thân bằng những phương tiện, cách thức như thế nào tùy thuộc vào tài năng của người chụp và cảm nhận của người xem”.
Với vai trò là một người làm tham vấn tâm lý, anh Trần Anh Tuấn, Công ty Connecting Coach (Nguyễn Duy Trinh, Q.2, TP.HCM) cho biết: “Tôi không đánh giá việc chụp ảnh nude là tốt hay xấu vì mọi người đều phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Bản thân những người không liên quan, không phải người trong cuộc thì không nên đánh giá. Vì sự "đánh giá người khác" đã là một hành động áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác khi mình chưa hiểu bản chất, mục đích đằng sau bộ ảnh khỏa thân mà họ thực hiện...".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.