Chương trình giáo dục nghề nghiệp: Ít nhất 50% thời lượng thực hành

01/04/2017 10:01 GMT+7

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ có nhiều thay đổi trong đào tạo, đặt trọng tâm vào thực hành.

Đây là một trong những nội dung thảo luận quan trọng tại hội nghị Đánh giá công tác tuyển sinh, tổ chức thi tốt nghiệp năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017 do Tổng cục Dạy nghề tổ chức sáng 31.3 tại TP.HCM.
Hội nghị có sự tham gia của hơn 300 đại diện các sở LĐ-TB-XH và trường cao đẳng, trung cấp từ Thừa Thiên-Huế trở vào.
Giảm số lượng tín chỉ, tăng thời lượng thực hành
Một trong những vấn đề nhiều trường quan tâm nhất là bắt đầu năm học 2017 - 2018, các trường phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi chương trình đào tạo để hoạt động theo quy định mới của Bộ LĐ-TB-XH. Thay đổi khiến nhiều trường bối rối là chương trình đào tạo cũ của Bộ GD-ĐT thiên về lý thuyết với khối lượng kiến thức tối thiểu 90 tín chỉ thì nay quy định tối thiểu 60 tín chỉ và thời lượng thực hành phải chiếm ít nhất 50%. Sự thay đổi này là hợp lý, nhưng theo nhiều trường, trước mắt sẽ có những khó khăn.
Thạc sĩ Nguyễn Thế Lực, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ và quản trị doanh nghiệp, chia sẻ: “Các trường sẽ phải cố gắng cân đối lại chương trình để phần lý thuyết nào nên bỏ, phần thực hành nào nên tăng cường... Để thực hiện, cần rất nhiều ý kiến đóng góp của giảng viên, doanh nghiệp. Đó là chưa kể kinh phí cho việc này không nhỏ”. Theo ông Lực, trước đây thời gian thực hành có thể là 2 - 3 tháng, nhưng nay phải là ít nhất 4 tháng. Ngoài ra, trường phải đầu tư thêm máy móc, thiết bị đáp ứng thời lượng thực hành tăng cao như vậy, trong khi thời gian rất gấp gáp.

tin liên quan

Nhân lực quốc gia từ… những chuyện 'đời thường'

Nhiều ý kiến tâm huyết đầy trách nhiệm và có giá trị của các chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã được chia sẻ tại Hội nghị ASEM (Diễn đàn Á - Âu) tổ chức tại TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

 

Ông Châu Thanh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường TC Kinh tế - Kỹ thuật Đồng Nai, lo lắng giáo viên của trường trước giờ dạy chương trình TCCN không cần có chứng chỉ kỹ năng nghề, nay Bộ LĐ-TB-XH quy định phải có, trong thời gian tới không biết xoay xở ra sao để kịp theo quy định mới. Cụ thể, đối với trình độ trung cấp, giảng viên dạy lý thuyết cần có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành hoặc ĐH sư phạm chuyên ngành trở lên. Đối với giáo viên dạy thực hành, cần có một trong những chứng chỉ như chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 2, chứng nhận bậc thợ 4/7, 3/6; chứng nhận nghệ nhân, nghệ sĩ, thầy thuốc ưu tú; chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ CĐ nghề, bằng tốt nghiệp CĐ nghề. Bậc CĐ thì yêu cầu về giảng viên thực hành cao hơn một bậc.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết trước mắt giảng viên cứ tiếp tục giảng dạy nhưng trong thời gian tới phải bổ sung chứng chỉ theo quy định.
Chưa kể, ở trình độ CĐ, Bộ LĐ-TB-XH không yêu cầu giảng viên dạy lý thuyết phải có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong khi các trường CĐ trước đây do Bộ GD-ĐT quản lý hiện có một lực lượng thạc sĩ, tiến sĩ cơ hữu nhưng không được quy đổi, khiến các trường gặp nhiều khó khăn.

tin liên quan

Tài khoản đăng nhập thí sinh được sử dụng như thế nào?
Hôm nay (1.4) thí sinh bắt đầu làm thủ tục đăng ký dự thi đồng thời với đăng ký xét tuyển. Một trong các khâu quan trọng của quá trình này là tiếp nhận, lưu giữ tài khoản đăng nhập cá nhân trên hệ thống phần mềm quản lý thi của Bộ GD-ĐT.

“Học ra phải có việc làm ngay” !
Vấn đề việc làm sau tốt nghiệp cũng được đại diện nhiều trường quan tâm. Đây cũng là một yếu tố tác động lớn đến công tác tuyển sinh. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh nhìn nhận: “Học cao đẳng, trung cấp ra phải có việc làm ngay, thì mới thay đổi được cái nhìn của xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Từ đó, tuyển sinh mới thu hút. Muốn vậy, các trường phải tập trung vào chất lượng, từ giảng viên cho tới trang thiết bị thực hành phải được đầu tư. Không mua được máy móc thì đi thuê hoặc liên kết hợp tác với doanh nghiệp”.
Thế nhưng, theo bà Thái Thị Bạch Lan, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH tỉnh An Giang, muốn tốt nghiệp có việc làm ngay thì công tác dự báo nhu cầu nhân lực cũng phải được thực hiện nghiêm túc và chính xác. “Hiện nay việc dự báo của ta còn quá yếu, không biết trong 3 - 5 năm nữa ngành đó của trình độ cao đẳng, trung cấp thì cần bao nhiêu nhân lực. Từ dự báo đó, Bộ mới phân bố chỉ tiêu từng ngành nghề cho các trường tuyển sinh phù hợp, tránh ra trường bị dư thừa gây thất nghiệp”, bà Lan nhận định.
Đại diện Trường CĐ Điện lực TP.HCM thừa nhận công tác dự báo kém, nhiều trường tập trung tuyển sinh những ngành nghề phổ biến dẫn đến mất cân đối so với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh cho biết: “Chúng tôi sẽ kiến nghị các bộ, ngành liên quan kịp thời thông tin về nhu cầu nhân lực, bảo đảm dự báo kịp thời nhu cầu đào tạo theo từng trình độ, ngành nghề, giúp các trường xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp và đảm bảo tốt cơ hội giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp”.

Nghề hàn có tỷ lệ việc làm cao nhất
Theo số liệu của Tổng cục Dạy nghề, các nghề thuộc khối kỹ thuật - công nghệ có số lượng học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ngay chiếm tỷ lệ cao gồm: hàn (92%), điện công nghiệp (88%), cắt gọt kim loại (86%), công nghệ ô tô (82%).
Mức lương khởi điểm bình quân của sinh viên CĐ nghề sau khi tốt nghiệp đạt 4,2 triệu đồng/tháng, học sinh trung cấp là 3,6 triệu đồng/tháng. Một số nghề có mức lương cao: điều khiển phương tiện thủy nội địa (7 triệu đồng/tháng), vận hành cần, cẩu trục (4 - 7 triệu đồng/tháng)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.