Chương trình giáo dục mới: Mong có chính sách riêng để không thiếu giáo viên

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
26/04/2022 18:36 GMT+7

Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhiều trường đề xuất Bộ tạo cơ chế riêng để các trường khi thực hiện chương trình giáo dục mới có thể tuyển được giáo viên hợp đồng trong trường hợp thiếu giáo viên.

Ngày 26.4, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì đã có buổi kiểm tra công tác chuẩn bị và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại 3 trường ở TP.HCM gồm: Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Trường tiểu học Dương Minh Châu tại (Q.10) và Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5).

Sau kiểm tra thực tế các trường, đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT, Phòng Giáo dục các quận huyện tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, đồng thời kết nối với nhiều điểm cầu trực tuyến tại các quận huyện, cùng sự tham gia của hiệu trưởng các trường phổ thông.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ có buổi làm việc, ghi nhận tình hình tại các trường phổ thông

A.T

Lo thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới

Chia sẻ với thứ trưởng tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết để chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 10, trường đã chuẩn bị tập huấn giáo viên, tập huấn module chuyên đề cho giáo viên để chuẩn bị cho việc dạy lớp 10, rà soát giáo viên và tuyển dụng giáo viên để đáp ứng chương trình.

Theo bà Hiền trường chuyên cũng có những khó khăn nhất định, các lớp đều có cách tổ chức tiết học rất khác nhau, đối tượng học sinh khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới vì vậy cũng khác nhau.

“Các em chọn theo các môn lựa chọn sau khi đã có định hướng môn chuyên, nên nhà trường cố gắng linh hoạt để đảm bảo quyền lợi của học sinh. Bộ GD-ĐT cần công bố sớm chuẩn đầu ra của học sinh lớp 12 để các trường có thể chủ động trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng trình độ cho học sinh. Trong tình huống không tuyển được giáo viên âm nhạc, mỹ thuật thì nhà trường cần được tạo cơ chế để tuyển giáo viên theo hình thức hợp đồng”, bà Hiền nói.

Tương tự, ông Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương, cho biết trường thuộc tốp trung bình khá nên định hướng trong việc xây dựng tổ hợp của trường cũng theo hướng phù hợp với trình độ học sinh.

“Trường xây dựng 5 tổ hợp, tổ hợp mở sau khi tiếp nhận nguyện vọng của các em để cân đối số tổ hợp, lớp cho phù hợp. Trường sẽ có tư vấn và liên kết về mặt giáo viên hoặc tổ chức lớp với các bộ môn về công nghệ, nghệ thuật và mỹ thuật với các trường khác nhằm tháo gỡ việc thiếu hụt giáo viên các bộ môn trên”, ông Yên nói.

Ông cũng đề xuất Sở GD-ĐT TP.HCM và Bộ GD-ĐT có hướng dẫn, quy chế tháo gỡ cho các trường trong việc ký hợp tác với các cộng tác viên có năng lực, kỹ năng nhưng bằng cấp sư phạm không có để đảm bảo có đủ nguồn lực giáo viên.

Chương trình giáo dục phổ thông mới mới 2018 đã triển khai ở lớp 1, 2, 6 và tiếp tục triển khai ở các lớp tiếp theo

A.T

Đảm bảo chất lượng chương trình trong bất kỳ hoàn cảnh nào

Chia sẻ những khó khăn và nỗ lực của ngành giáo dục TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhận định thành phố đã trải qua một năm học rất nhiều khó khăn khi bước vào năm học thì dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt khi đó TP.HCM là tâm dịch. Dù vậy sau đó, thành phố đã cực kỳ linh hoạt, điều chỉnh mọi hoạt động phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Đối với việc thực hiện chương trình giáo dục mới, Bộ đặt ra ba chỉ tiêu, thứ nhất là phải đảm bảo an toàn trong đại dịch, thứ hai là quyết tâm hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch, thứ ba là phải kiên trì đảm bảo chất lượng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Vì vậy, dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và tác động lớn đến ngành giáo dục nhưng Bộ GD-ĐT vẫn xác định chất lượng là yếu tố then chốt.

“Chất lượng giáo dục có hay không đều phụ thuộc vào giáo viên, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Tiểu học là bậc học “khởi công” nhưng không nhận “khánh thành”. Do đó, học sinh lớp 1 mà được học thầy cô giáo tốt, năng lực chuyên môn giỏi, biết khơi gợi đam mê học tập, chắc chắn sẽ tạo ra nền móng tốt cho sự phát triển của học sinh sau này”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Thứ trưởng cho biết thêm, chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai ở lớp 1, 2, 6 và những đánh giá kết quả ban đầu sau hơn 1 năm vất vả vừa học vừa chống dịch đã cho thấy rõ những điểm ưu việt. Đây là bước khởi đầu, nền tảng để các địa phương và ngành giáo dục tích cực triển khai chương trình ở các cấp lớp tiếp theo, nhất là lớp 10.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.