Chung Tử Lưu hé lộ lý do ca sĩ Việt sang Mỹ không dám hát tiếng Anh

Thành Long
Thành Long
05/07/2019 13:58 GMT+7

Tham gia chương trình Chuyện của sao, ca sĩ Chung Tử Lưu thoải mái chia sẻ về quá trình hoạt động ở hải ngoại của mình. Ông tiết lộ lý do các ca sĩ Việt không hát tiếng Anh khi sang Mỹ biểu diễn.

Chung Tử Lưu cho biết ở hải ngoại có nhiều cuộc thi ca hát, những thí sinh đăng quang phần lớn đều theo đuổi dòng nhạc trữ tình, quê hương. Ông cho biết dòng nhạc này khá mạnh, nuôi sống nhiều ca sĩ, trung tâm ca nhạc trong đó có trung tâm mà ông cộng tác. “Trong một khung cảnh trời tuyết, hay mưa của phương Tây, ngồi trên xe chúng ta nghe được những giai điệu đàn tranh, đàn cò, đàn bầu, những giai điệu quê hương, câu hò, câu hát, mình cảm giác âm nhạc ngon như một món ăn tinh thần tuyệt vời", ông nói.
"Giống như những ngôi nhà tại Nam California, chúng tôi trồng những cây như chuối, bưởi, nhãn, xoài, ổi, cóc, quýt, cam… những loại cây ăn trái nhiệt đới để có một góc quê hương trong nhà. Nhạc Bolero cũng vậy, là dòng nhạc gần gũi với quê hương thì nó mạnh nhất. Lớp trẻ lớn lên có thể nghe nhạc này nhạc kia nhưng vẫn nghe Bolero rất nhiều”, ông chia sẻ thêm.

Chung Tử Lưu là gương mặt quen thuộc của sân khấu hải ngoại

Ảnh: BTC

Nam ca sĩ khẳng định thời gian gần đây, dòng nhạc Bolero đang trở lại. Lớp ca sĩ trẻ cũng như các du học sinh khi qua Mỹ đều biết nhiều nhạc pop, nhạc trẻ nhưng không vì thế mà Bolero “thất sủng”. Trong các cuộc thi mà ông làm huấn luyện viên hay giám khảo, các bạn hát nhạc trẻ nhiều nhưng giải thưởng luôn nằm trong những người hát Bolero. “Nhiều giọng ca có thể hát khá nhạc ngoại quốc nhưng khi “đụng” vào nhạc Việt Nam thì bị yếu. Bên Mỹ có nhiều gia đình con đi học nói tiếng Mỹ ào ào nhưng về nhà cha mẹ lại thường mở karaoke là nhạc Bolero. Các con nghe thích Bolero, từ đó mới hát nhiều. Các em trẻ hát Bolero rất chỉn chu. Dòng nhạc này cần sự tự nhiên, mùi mẫn và dễ bắt chước hơn dòng nhạc đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc khác”, ông nêu quan điểm. 
Chung Tử Lưu cho biết khi ca sĩ Việt Nam sang Mỹ thì trình độ tiếng Anh chính là rào cản lớn nhất nên họ khó có thể đạt được thành công như những bạn trẻ đã sống ở Mỹ lâu năm. Ông tâm sự: “Một bài hát mình đã hát hàng chục năm ở Việt Nam nhưng khi qua nước ngoài, những người Việt trẻ, giỏi tiếng Mỹ nghe sẽ phát hiện nhiều nhược điểm, nên ca sĩ Việt Nam sang gần như không dám hát. Ở khía cạnh bước ra thế giới, bên Mỹ chỉ hi vọng lớp con lớp cháu đã “Mỹ hóa”. Lớp trẻ đi học trong môi trường Mỹ, học về voice, vocal và đi thi những cuộc thi chúng không còn yêu thích nhạc Việt nữa”.
“Nghệ sĩ trẻ hoạt động nghệ thuật bên Mỹ nhưng không nhiều. Những em đóng phim, các em hát nhạc kịch, hát opera hay múa trên sân khấu, khu vui chơi giải trí tầm cỡ trên thế giới nhưng phải được tuyển chọn gắt gao. Nếu mà so với Philippines thì cộng đồng người Việt của chúng ta hát vẫn thua kém. Lớp trẻ người Việt, thời điểm này tôi vẫn chưa thấy được tài năng nào vượt được Myra Trần, cô bé từng gây "bão" American Idol thời gian qua”, ông nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.