Chứng lo lắng khi mang thai và sau sinh có bình thường?

17/04/2017 21:02 GMT+7

Trong suốt thai kỳ và sau khi sinh con, việc người mẹ lo âu là trải nghiệm bình thường, một phần là do sự biến đổi hormone.

Chị Amy Ruggiero, 42 tuổi, ở Pennsylvania (Mỹ) liên tục trải qua giai đoạn lo âu, kể cả khóc triền miên sau khi có đứa con đầu lòng năm 2001. Còn vào năm 2004, lần mang thai thứ hai càng khiến tình hình của Amy tệ hơn nữa, theo Fox News.
Amy có những nỗi lo sợ kỳ lạ. Thậm chí mỗi lần cho con trai đi ngủ, Amy lại sợ rằng không biết liệu con có thở được không, có chuyện gì xảy ra với con lúc ngủ không. "Nếu không kiểm tra con trai thở thế nào khi ngủ, tôi sẽ bắt đầu lo lắng. Có khi tôi ở cạnh con suốt 45 phút để xem con thở thế nào", Amy nhớ lại.
Không chỉ dừng lại đó, chị Amy còn hay kiểm tra công tắc điện trong nhà, cũng như những ổ cắm. Lý do là lúc nào chị cũng lo sợ lỡ như có chập điện thì sẽ gây cháy nhà. Amy khóc suốt ngày, khiến chồng cô lắm phen phải bỏ dở công việc vì lo lắng. Kể cả bố mẹ cô cũng phải hết sức hỗ trợ.
Thay đổi hormone khiến các bà mẹ mang thai lo lắng nhiều hơn Ảnh: Shutterstock

Amy được chẩn đoán mắc chứng ám ảnh cưỡng chế (OCD), là một dạng rối loạn lo âu.
Amy bắt đầu mắc chứng rối loạn này khi mang thai đứa con thứ hai. Cô phải uống thuốc điều trị dù biết rằng các loại thuốc đó không tốt khi đang mang thai.

tin liên quan

Giảm bớt lo âu đâu cần dùng thuốc
Không cần phải tốn tiền triệu vào bệnh viện nhờ bác sĩ thăm khám, bạn có thể áp dụng nhiều cách tự nhiên để 'cắt cơn' lo lắng quá mức vì áp lực cuộc sống. 
Các chuyên gia đánh giá rằng các rối loạn lo âu trong thời gian mang thai và sau sinh bao gồm rối loạn lo âu tổng quát (GAD), hoảng loạn và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Các loại rối loạn này cũng phổ biến như trầm cảm sau sinh.
Theo một khảo sát của Tạp chí Affective Disorders, hơn 17% bà mẹ có thai trong 3 tháng cuối được chẩn đoán là mắc chứng rối loạn lo âu, và 5% có cảm giác chán nản. Theo một khảo sát khác của Tạp chí Reproductive Medicine, có 11% bà mẹ mắc chứng OCD hai tuần sau khi sinh con và 6 tháng sau đó, một nửa trong số này vẫn tiếp tục bị triệu chứng OCD.  
Câu hỏi đặt ra là triệu chứng lo âu trong chu kỳ sinh nở có phải là bình thường?
Theo các chuyên gia, trong suốt thai kỳ và sau khi sinh con, việc người mẹ lo âu là trải nghiệm bình thường, một phần là do sự biến đổi hormone. Cảm giác lo lắng cũng được cho là một cách phản ứng tự nhiên khi phụ nữ trở thành một người mẹ, bởi nó giúp họ cảnh giác và bảo vệ con mình.
Thực tế là thai kỳ làm thay đổi kích cỡ và cấu trúc các bộ phận đóng vai trò xử lý vấn đề xã hội ở não bộ, từ đó giúp các bà mẹ bảo vệ và nuôi dưỡng con cái, theo một nghiên cứu của Tạp chí Nature Neusroscience.
Do cảm nhận được sự thay đổi về trách nhiệm lẫn cuộc sống khi có con, các bà mẹ cảm thấy lo lắng Ảnh minh họa: Shutterstock

"Tôi không có gì ngạc nhiên khi những người mẹ căng thẳng và lo lắng hơn, bởi họ phải chú tâm vào việc đáp ứng nhu cầu của trẻ sơ sinh", tiến sĩ Alice Domar - Giám đốc trung tâm sức khỏe tinh thần và thể chất tại Boston (Mỹ) - cho biết.
Mức độ lo lắng cũng gia tăng khi các bà mẹ nhận thức được sự thay đổi trách nhiệm lẫn cuộc sống của họ khi có con. Các bà mẹ vẫn cảm thấy stress dù họ mong có con.
Như vậy, lo lắng khi mang thai và sau sinh là điều bình thường, tuy nhiên nếu mức độ lo lắng đó là bất thường, thì các bà mẹ cần được điều trị tâm lý kịp thời, theo các chuyên gia.
Các bà mẹ cần nhận thức rõ về hiện tượng lo lắng trong thai kỳ và sau sinh, để hiểu cảm giác của mình, đồng thời chấp nhận nó. Các bà mẹ cũng cần giãi bày những sự căng thẳng của mình cho người thân hoặc các chuyên gia khi cần thiết. Thai phụ nên tìm kiếm những niềm vui khác để giảm bớt sự căng thẳng và lo âu. Cụ thể là họ có thể tìm đến các bài tập nhẹ nhàng, như yoga chẳng hạn, để cân bằng tâm trí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.