Chứng khoán Việt Nam bốc hơi hơn 52 tỉ USD

Mai Phương
Mai Phương
17/05/2022 07:03 GMT+7

Hôm qua, VN-Index tiếp tục giảm 10,82 điểm xuống 1.171,95 điểm và tổng cộng đã giảm hơn 23% từ mức đỉnh và rơi về mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Thị trường chứng khoán giảm sâu khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, lo sợ cũng như mất niềm tin vào kênh đầu tư này.

Vốn hóa “bốc hơi” hơn 52 tỉ USD

Thị trường chứng khoán ghi nhận 6 tuần sụt giảm liên tiếp kể từ đầu tháng 4 đến nay. Chỉ tính riêng trên sàn TP.HCM, vốn hóa thị trường đã giảm hơn 1,25 triệu tỉ đồng, hơn 52 tỉ USD. Hầu hết cổ phiếu đã giảm 40-50% khiến nhà đầu tư (NĐT) cá nhân lẫn nhiều tổ chức đều lỗ lớn. Mặc dù thị trường giảm theo diễn biến không thuận lợi từ thị trường chứng khoán nhiều nước, các vụ án thao túng giá chứng khoán trên sàn… nhưng tốc độ giảm của VN-Index là nhiều nhất thế giới. Điều khiến các NĐT hoang mang và không biết nguyên nhân là mọi cổ phiếu đều bị giảm mạnh nhiều phiên liên tiếp dù doanh nghiệp vẫn báo cáo hoạt động tăng trưởng, lợi nhuận cao.

Hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán có xung đột lợi ích với nhà đầu tư

Ngọc Thắng

Trên thực tế, thường đến gần cuối đợt giao dịch hay có những lệnh bán lớn đẩy giá nhiều cổ phiếu càng giảm sâu. Hiện tượng bất thường này liên tục xảy ra trong khung giờ nhất định khiến giới đầu tư cho rằng lệnh mua vào hoặc bán ra với số lượng quá lớn này chỉ có thể xuất phát từ bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK).

NĐT càng có lý do nghi ngờ khi từ ngày 1.3, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã thông báo dừng cung cấp thông tin giao dịch tự doanh cho các đối tác để rà soát, phát triển sản phẩm mới. Trước đó, thông tin này chỉ được cung cấp theo gói dịch vụ cho các khách hàng có nhu cầu.

Trước bức xúc của NĐT, cuối tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của CTCK. Trong thời gian tới sẽ trình Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung Thông tư 96 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ nâng hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các CTCK, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ…

Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải phân tích các sở giao dịch chứng khoán là công ty nhà nước độc quyền, hưởng siêu lợi nhuận từ phí giao dịch của các NĐT trên thị trường nói chung. Nghĩa vụ của các sở giao dịch chứng khoán là quản lý, vận hành sàn giao dịch cũng như công bố thông tin liên quan.

Mọi thông tin liên quan cổ phiếu giao dịch hằng ngày càng được công bố chi tiết, công khai và càng nhiều càng tốt. Điều này thể hiện rõ hoạt động của thị trường càng minh bạch, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó thị trường chứng khoán VN sẽ phát triển tốt hơn

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI)

Như vậy, số liệu giao dịch của chính các CTCK cũng cần được công khai rộng rãi như giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đang được cung cấp hằng ngày. Hơn nữa, các CTCK luôn có lợi thế nhiều hơn NĐT cá nhân trong các vấn đề tiếp cận thông tin trên thị trường, từ những hoạt động của doanh nghiệp niêm yết lẫn hoạt động mua bán nói chung. Vì vậy cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin càng nhiều càng tốt.

“Đây không phải là thông tin đặc biệt hay chọn lọc mà chỉ cung cấp riêng cho các NĐT tổ chức. Mọi thông tin liên quan cổ phiếu giao dịch hằng ngày càng được công bố chi tiết, công khai và càng nhiều càng tốt. Điều này thể hiện rõ hoạt động của thị trường càng minh bạch, tạo niềm tin cho NĐT trong và ngoài nước. Từ đó thị trường chứng khoán VN sẽ phát triển tốt hơn”, ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ thêm.

Giám sát chặt hoạt động tự doanh

Trước những nghi vấn của NĐT về xung đột lợi ích giữa việc CTCK vừa mua bán cổ phiếu vừa tư vấn cho NĐT giao dịch, cuối tháng 4 Bộ Tài chính thông tin rằng điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho rằng việc CTCK được cấp phép hoạt động nghiệp vụ tự doanh, quản lý tài khoản khách hàng và tư vấn đầu tư chứng khoán có thể có xung đột lợi ích giữa công ty và khách hàng. Do vậy, để ngăn ngừa, luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đã quy định CTCK có nghĩa vụ ưu tiên quyền lợi và bảo vệ tài sản khách hàng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện giám sát thường xuyên liên tục qua báo cáo hoặc kiểm tra tại chỗ hoạt động của các CTCK nhằm bảo đảm các công ty hoạt động tuân thủ quy định pháp luật. Nhưng giải thích của Bộ Tài chính chưa thể xoa dịu bức xúc của NĐT, bởi trên thực tế hoạt động tự doanh của các CTCK đã nêu ra nhiều lần và từ hơn 10 năm trước.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính-Marketing tại TP.HCM), vấn đề giám sát trên thị trường chứng khoán thời gian qua còn chưa chặt chẽ và có nhiều lỗ hổng nên vẫn để tồn tại nhiều vụ thao túng giá chứng khoán; hoạt động giám sát của cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua còn lơ là. Tương tự, dù hoạt động tự doanh có quy định để hạn chế các xung đột lợi ích, nhưng NĐT vẫn có thể nghi ngờ các CTCK không trung thực. Thực tế, nếu CTCK đã sở hữu cổ phiếu nào và sau đó bộ phận phân tích tư vấn đưa ra khuyến nghị đánh giá tốt để NĐT mua vào thì càng có lợi thế hơn. Đó là chưa kể nhiều công ty hiện có thể tiếp xúc riêng với các doanh nghiệp và nắm được nhiều thông tin trước. Nếu có trục lợi từ những hành động này thì có thể được xếp vào việc “giao dịch nội gián”. Vì vậy, quan trọng nhất là phải giám sát chặt hơn để ngăn ngừa và xử phạt nghiêm minh những hành vi này.

TS Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế, nêu vấn đề: Các CTCK tại Mỹ chủ yếu là làm nhiệm vụ tạo lập thị trường (market maker), đại diện mua bán cho các doanh nghiệp để có thể tạo thanh khoản của cổ phiếu. Song song đó, CTCK nhận ủy thác đầu tư và sẽ giao lại cho các chuyên viên theo từng cấp độ và các chuyên viên được hưởng lợi nhuận theo hiệu quả đầu tư. Khi đó các hoạt động này không mâu thuẫn với lợi ích của khách hàng. Trong khi tại VN các CTCK lại có lợi nhuận chính từ hoạt động môi giới, cho vay (margin) và tự doanh. Thậm chí gần đây nhiều công ty đã miễn phí môi giới cho thấy họ có thể không cần đến phí này.

Theo lý thuyết, bộ phận tự doanh của các CTCK tách rời với phân tích và môi giới nhưng trên thực tế không ai quản lý được thông tin trao đổi trong cùng một công ty. Vì vậy, bản thân NĐT sẽ không biết CTCK mua hay bán cổ phiếu nào khi nhận được tư vấn về một mã cổ phiếu cụ thể. Khi có nhiều NĐT tham gia mua vào thì sẽ tạo cầu lớn làm giá sẽ tăng và NĐT có lợi nhưng chính CTCK là đơn vị hưởng lợi lớn hơn vì đã mua trước với giá thấp hơn…

Đây là vấn đề bất cân xứng thông tin hay còn có thể gọi là thiếu minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán. Một nghiên cứu trước đây đã từng đoạt giải Nobel kinh tế về vấn đề này cho rằng bên nắm thông tin nhiều sẽ là người chiến thắng. Để giải quyết xung đột lợi ích này, cần bổ sung quy định về công bố thông tin của CTCK. Cụ thể, khi CTCK đưa ra tư vấn đầu tư về một mã chứng khoán cụ thể thì phải công bố thông tin kèm theo như số lượng đang sở hữu, giá mua bình quân… Đây mới là tạo ra sự công bằng đối với NĐT và sự minh bạch cho thị trường. Song song, công tác giám sát, hậu kiểm cũng cần gia tăng xoay quanh các hoạt động tự doanh, tư vấn của CTCK để giảm thiểu rủi ro, nhất là những cú tiếp tay cho thao túng giá hay giao dịch nội gián.

TS Đinh Thế Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.