Chứng khoán Anh đánh bại các thị trường châu Âu bất chấp Brexit

10/08/2016 17:02 GMT+7

Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Anh dường như đã quên cuộc bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) gây sốc hồi tháng 6. Anh đánh bại tất cả các thị trường lớn khác ở châu Âu như Đức, Pháp, Thụy Sĩ.

Theo CNN, bất chấp quyết định rời EU, hay Brexit, gây sốc hồi tháng 6, tất cả các chỉ số chính của London đều tăng từ đầu năm đến nay, trong khi toàn bộ thị trường lớn khác ở châu Âu như Đức, Pháp, Ý, Thụy Sĩ lại chịu tổn thất.
Đây là điều đi ngược với nhiều lời cảnh báo nghiêm trọng của giới chuyên gia trước cuộc trưng cầu dân ý. Họ từng dự báo Brexit có thể là thảm họa đối với nền kinh tế cũng như các thị trường Anh.
“Brexit gây nên một cú sốc đối với kinh tế Anh vì nó khiến Anh trở thành nơi ít hấp dẫn hơn cho việc đầu tư. Nền kinh tế và các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là hai thứ rất khác nhau”, chuyên gia kinh tế Holger Schmieding tại ngân hàng Berenberg cho hay. Vậy thì đâu là điều thực sự đứng sau đợt phục hồi ngoạn mục của cổ phiếu Anh?
Đồng bảng rẻ
Chỉ số chuẩn FTSE 100 không những phục hồi sau đợt lao dốc 9% hậu Brexit, mà thậm chí còn đang giao dịch cao hơn 8% so với mức đạt được trong ngày bỏ phiếu. Cổ phiếu Anh tăng giá khi tính bằng nội tệ, nhưng lại giảm giá khi xét bằng đô la Mỹ.
Bảng Anh giảm 13% so với USD kể từ ngày công bố kết quả bỏ phiếu. Khi được đo lường bằng euro, chỉ số FTSE hạ 5,6% trong năm nay. Đây là mức giảm tệ hơn so với chỉ số DAX của Đức, vốn đi xuống 2% trong năm 2016.
Song đồng bảng rẻ cũng có ích. Nhiều doanh nghiệp trong số 100 công ty hàng đầu Anh quốc hoạt động chủ yếu ở nước ngoài và hưởng lợi nhuận bằng USD. Thị trường rộng hơn cũng bao gồm nhiều nhà xuất khẩu, những hãng hưởng lợi từ đồng bảng yếu.
“Chỉ số này rất thú vị với các nhà đầu tư”, nhà phân tích thị trường Naeem Aslam tại hãng Think Markets nói. Ông Aslam cho rằng bảng Anh giảm giá khiến ngành công nghiệp xuất khẩu trông rất hấp dẫn.
Giá hàng hóa phục hồi 
Chỉ số FTSE 100 nghiêng nhiều về các công ty khai thác khoáng sản và dầu khí, những doanh nghiệp phục hồi đáng kể trong năm nay nhờ giá hàng hóa - trong đó có kim loại, khoáng sản và dầu thô - tăng. Giá vàng tăng 27% và giá dầu cũng đi lên. Dầu thô Mỹ từng có lúc giao dịch ở 27 USD/thùng nhưng này đang ở ngưỡng 43 USD/thùng.
Cổ phiếu BP tăng 20%, Rio Tinto tăng 27%, Royal Dutch Shell tăng 29% còn BHP Billiton đi lên 37%.
Tiền chưa bao giờ rẻ hơn
Giới đầu tư cũng được khuyến khích từ đợt bơm tiền mặt mới vào các thị trường của ngân hàng trung ương, khiến lợi tức trái phiếu đi xuống.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) lần đầu hạ lãi suất trong bảy năm, cho hay sẽ tái khởi động chương trình kích thích lớn để ngăn chặn chuyện Brexit đẩy nền kinh tế vào chỗ suy thoái. BOE cũng cho biết họ sẽ làm nhiều hơn nữa nếu cần.
Châu Âu rối rắm
Brexit để lại cú sốc lớn cho thị trường toàn cầu, quét sạch 3.000 tỉ USD khỏi cổ phiếu chỉ trong vài ngày. Đó là vì tác động của Brexit đi xa ra ngoài nước Anh.
Nhiều nhà đầu tư lo lắng rằng Brexit có thể đặt toàn bộ dự án EU đứng trước nguy cơ, và thêm nhiều nước có thể muốn rời khỏi khối. Đó là lý do vì sao các ngân hàng châu Âu đang chịu tác động xấu.
“Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang chật vật để giữ lại mối liên kết với nhau. Khi quyết định đâu là nơi đặt tiền, giới đầu tư có thể nghiêng về Vương quốc Anh thay vì châu Âu với lý do ổn định”, nhà phân tích Augustin Eden thuộc hãng Accendo Markets nhận định.

tin liên quan

Brexit chưa phải là cơn bão thật sự
Theo nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu Karen Ward của ngân hàng HSBC, sự kiện Brexit, hay Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mới chỉ là sự bình tĩnh nhất thời trước cơn bão thật sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.