Chung kết EURO 2020: ‘Tam sư’ được thiên vị?

09/07/2021 08:13 GMT+7

Ít nhất, đấy là sự thiên vị của… thần may mắn đã dành cho tuyển Anh. Trọng tài (chứ không phải VAR) toàn quyền quyết định ‘lỗi’ hay ‘không lỗi’ trong tình huống phạm lỗi không thật sự rõ ràng ở hiệp phụ, và ông quyết định: phạt đền.

May mắn của đội tuyển Anh trong trận bán kết không dừng lại ở đấy. Thủ môn Kasper Schmeichel đã xuất sắc đẩy được cú sút của Harry Kane. Nhưng bóng bật ra lại rơi đúng vào tầm di chuyển của Kane. Anh có thêm một cơ hội “từ trên trời rơi xuống”, tốt hơn cả cơ hội đá phạt đền. Cuối cùng, Kane cũng đưa được bóng vào lưới, giúp Anh thắng Đan Mạch 2-1 và lần đầu tiên lọt vào chung kết EURO.
Trước đó, Anh bị Đan Mạch dẫn điểm, nhưng gỡ hòa 1-1 nhờ pha phản lưới nhà của Simon Kjaer - trung vệ thủ quân Đan Mạch, chơi xuất sắc suốt từ đầu giải. Đây là kỳ EURO kỳ lạ với số bàn phản lưới nhà vượt xa tổng số lần phản lưới nhà của toàn bộ 15 giải đấu trước đó. Đã bảo thần may mắn đang thiên vị “Tam sư”, thì như một lẽ đương nhiên Anh phải có bàn thắng do đối phương “kính tặng”. Nhưng, đây mới là tuyệt đỉnh của sự may mắn: bàn phản lưới Đan Mạch của Kjaer xuất hiện đúng thời điểm quan trọng nhất của tuyển Anh. Chỉ vài phút trước đó, cú sút phạt đẹp mắt của Mikkel Damsgaard đã hạ gục hệ thống phòng ngự được cho là chắc chắn nhất giải, khiến Anh lần đầu thủng lưới tại EURO này.
Trước Đan Mạch, Anh thắng Ukraine ở tứ kết. Các đội mạnh nhất tại EURO này dồn cả vào nhánh còn lại: Pháp, Bồ Đào Nha, Bỉ, Ý, Croatia, Tây Ban Nha - và cuối cùng chỉ còn Ý “thoát” được vào trận chung kết để tranh ngôi vô địch với Anh ngày 12.7 (2 giờ VN). Đây là may mắn ở một khía cạnh khác, cho thầy trò Gareth Southgate. Nhìn đi nhìn lại cũng chỉ thấy một đối thủ đáng kể trên hành trình của đội tuyển Anh tại giải năm nay: Đức. Và đấy là đội tuyển Đức yếu nhất trong nhiều năm nay, bệ rạc đến nỗi người hâm mộ đã phải thở phào nhẹ nhõm khi biết HLV Joachim Loew sẽ chia tay sau EURO. Đức còn thua cả Bắc Macedonia ở vòng loại World Cup 2022, thì đâu còn làm ai ngán ngẩm. Họ đã suýt bị Hungary loại ở vòng bảng.
Trong một giải đấu mà trên nguyên tắc là diễn ra ở khắp 11 nước châu Âu, thì rốt cuộc Anh lại là chủ nhà về thực chất, khi các trận bán kết và chung kết đều diễn ra trên sân nước họ. Ưu thế này còn lớn hơn rất nhiều so với “ưu thế sân nhà” đúng nghĩa. Bởi thông thường sân nhà nào thì cũng phải dành một tỷ lệ cụ thể trên khán đài cho cổ động viên đối phương và cổ động viên trung lập. Còn tại EURO này, cổ động viên bên ngoài bị cấm vào nước Anh, không có cửa vào sân Wembley.
Đấy là may mắn… nhân tạo? Không ít người cũng đang hoài nghi, ngờ vực về kiểu may mắn tương tự của đội tuyển Anh khi họ hưởng quả phạt đền đầy tranh cãi ở trận thắng Đan Mạch. Thành công vang dội thì quá rõ rồi - đây là lần đầu tiên trong 55 năm đội Anh lọt được vào một trận chung kết quan trọng (sau World Cup 1966) và là lần đầu tiên trong lịch sử EURO. Có thuyết phục hay không lại là chuyện khác. May mắn chỉ đến với kẻ xứng đáng, hay may mắn chỉ đến với người biết tạo ra nó?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.