48 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30.4.1975 - 30.4.2023)

Chung dòng máu Lạc Hồng: Để ung thư không còn là án tử

01/05/2023 09:09 GMT+7

Gần 20 năm ở Đức, tôi tích lũy các mối quan hệ với chuyên gia đầu ngành để kết nối cơ sở y tế trong nước, mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân ung thư.

Từ năm 2005, khi học tập và làm việc tại Đức, tôi luôn giữ liên lạc với các bạn bè và đồng nghiệp tại Việt Nam để cập nhật tình hình tại quê nhà. Thực tiễn cho thấy có một khoảng cách khá lớn giữa hai nền y tế Việt Nam và Đức. Những năm đầu khi làm tiến sĩ, ý tưởng kết nối giữa Đức và Việt Nam bắt đầu từ những việc nhỏ như kết nối các nhà khoa học Đức để mời họ trình bày ở các hội thảo khoa học tại Việt Nam. Hay bản thân tôi cũng cố gắng tham gia các hội thảo tại Việt Nam, gửi bài tham luận chuyên đề cho các trường đại học, đơn vị y tế trong nước.

Chung dòng máu Lạc Hồng: Để ung thư không còn là án tử   - Ảnh 1.

TS Lê Đức Dũng (thứ 6 từ phải qua), GS Paul-Gerhardt Schlegel và các đồng nghiệp trong một lần làm việc tại BV Nhi T.Ư

NVCC

Khi làm việc tại Bệnh viện (BV) Đại học Wuerzburg (Đức) và tham gia các dự án nghiên cứu phương pháp điều trị mới cho bệnh ung thư máu như phương pháp điều trị CAR-T, trị liệu miễn dịch, ghép tế bào gốc tạo máu..., tôi biết đây là lĩnh vực rất khó, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Ở các nước phát triển, bệnh ung thư máu có thể điều trị được nhưng tại Việt Nam thì rất khó, mắc ung thư xem như một bản án tử. Sự khác biệt lớn đó là động lực thôi thúc tôi phải kết nối nhanh hơn các chuyên gia tại Đức với các BV tại Việt Nam, ít nhất là trong lĩnh vực huyết học và ung thư.

Giáo sư đầu ngành ủng hộ

Tôi có may mắn được làm việc với một số giáo sư, bác sĩ là các chuyên gia hàng đầu tại Đức và châu Âu về huyết học và ung thư. Đặc biệt nhất là GS Hermann Einsele, Giám đốc BV nội khoa tại BV Đại học Wuerzburg, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Huyết học và ung thư của Đức (DGHO), Giám đốc Trung tâm ung thư quốc gia tại bang Bavaria. GS Einsele là "sếp" của tôi tại BV Đại học Wuerzburg, nên khi ngỏ lời về việc hỗ trợ các đơn vị y tế tại Việt Nam bằng cách chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực về các phương pháp điều trị hiện đại cho các bệnh ung thư máu, ông đã ủng hộ. Bên cạnh đó là sự ủng hộ của GS Paul-Gerhardt Schlegel, chuyên gia hàng đầu về huyết học nhi ở Đức, đang làm việc tại BV Đại học Wuerzburg.

Năm 2019, hai giáo sư đầu ngành này và một số đồng nghiệp khác về làm việc với một đơn vị y tế tại Việt Nam để bàn thảo việc hợp tác. Rất tiếc là sau đó đại dịch Covid-19 xảy ra và có một số thay đổi trong chính sách của đơn vị này nên mọi việc phải dừng lại.

Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, với sự hỗ trợ của vài đồng nghiệp, tôi lại bắt tay vào việc kết nối với một số BV tại Việt Nam và cả Bộ Y tế. Cuối tháng 2, đầu tháng 3.2023, hai đoàn chuyên gia Đức, trong đó có GS Einsele và GS Schlegel, về làm việc với một số BV tại Việt Nam để thảo luận các khả năng hợp tác trong hai lĩnh vực huyết học, ung thư cho người lớn và trẻ em. Các nội dung chính là chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực để thực hiện các phương pháp điều trị hiện đại. Phía Đức cũng sẵn sàng hỗ trợ thông qua các buổi hội chẩn chung theo hình thức trực tuyến.

Rất nhiều hy vọng vào dự án hợp tác lần này vì có được sự hỗ trợ từ các chuyên gia hàng đầu tại Đức, đặc biệt phương pháp điều trị CAR-T còn rất mới mẻ và chưa có đơn vị nào tại Việt Nam thực hiện được. Còn phương pháp trị liệu miễn dịch và ghép tế bào gốc tạo máu thì cũng chỉ một số rất ít BV trong nước làm được và còn rất nhiều hạn chế.

Hiện hai bên đã thống nhất được nhiều điều khoản và đang cố gắng thảo luận thêm một số điểm để có thể thực hiện dự án trong năm nay, mang lợi ích cho bệnh nhân (BN) ở Việt Nam. Các đồng nghiệp trong nước cũng có cơ hội tiếp cận và học hỏi từ một trong những nền y tế phát triển nhất thế giới.

Chung dòng máu Lạc Hồng: Để ung thư không còn là án tử   - Ảnh 2.

TS Lê Đức Dũng (thứ 2 từ trái qua), GS Paul-Gerhardt Schlegel và các đồng nghiệp trong một lần làm việc tại Đại học Y Dược Hải Phòng

Áp lực tuyến T.Ư

Trong chuyến công tác vừa rồi, các giáo sư, bác sĩ của Đức cũng trao đổi rất kỹ với đồng nghiệp Việt Nam tại một số BV tuyến T.Ư ở Hà Nội. Các chuyên gia Đức đánh giá rất cao sự năng động, sự ham học hỏi cũng như sự cởi mở để áp dụng phương pháp điều trị mới.

Vinh dự nhận giải thưởng của EBMT

TS Lê Đức Dũng năm nay 42 tuổi, hiện là cố vấn y khoa, từng là trưởng nhóm chuyên về miễn dịch ung thư tại BV Đại học Wuerzburg.

Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành miễn dịch, hóa sinh và vi sinh tại Đại học Leibniz Hannover (Đức), TS Lê Đức Dũng làm tiến sĩ về y sinh chuyên về miễn dịch học tại Đại học Y khoa Hannover và BV Đại học Saarland (Đức).

Hơn 12 năm làm nghiên cứu, TS Lê Đức Dũng đạt được một số thành công nhất định với nhiều công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, giải thưởng; trong đó nổi bật nhất là giải thưởng "Basic Science Award" của Hiệp hội Ghép tế bào máu và tủy của châu Âu (EBMT) vào năm 2021.

T.N

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đã chứng kiến cơ sở vật chất thiếu thốn, cảnh quá tải của BV cũng như của các bác sĩ Việt Nam. Một bác sĩ Việt Nam có thể phải khám từ 25 - 30 BN/ngày, 5 ngày/tuần. Trong khi cùng vị trí tương tự, một bác sĩ Đức chỉ khám cho 8 - 10 BN/ngày và 3 ngày/tuần, 2 ngày còn lại dành cho các công tác khác, đặc biệt là nghiên cứu, học tập và cập nhật kiến thức.

Khi nghe tôi kể về cấu trúc nền y tế Việt Nam thì họ cũng không bất ngờ vì sao các BV tuyến T.Ư lại quá tải như vậy. Nền y tế Việt Nam là nền y tế tập trung hóa, BN sẽ được điều chuyển từ tuyến dưới lên trên tùy theo mức độ bệnh, và tuyến T.Ư là tuyến cao nhất. Các BV T.Ư vừa ít lại tập trung chủ yếu ở thành phố lớn. Bên cạnh đó, sự chênh lệch trình độ giữa các tuyến còn khá lớn làm tăng áp lực tuyến cuối.

Ở Đức thì hoàn toàn khác, phòng khám bác sĩ gia đình là nơi phân loại đầu tiên, BN nếu không cần đến BV thì sẽ được chữa trị tại phòng khám chuyên khoa hoặc bác sĩ gia đình. Những ca bệnh khó, nặng hoặc cần điều trị nội trú mới được chuyển về BV, hoặc hơn nữa là BV đại học hoặc BV lớn nơi gần nhất, tập trung chuyên khoa đầu ngành. Sự phân bố hợp lý cộng với số lượng bác sĩ, cơ sở y tế trên số người dân lớn giúp giảm áp lực lên các bác sĩ và đơn vị y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Sẵn lòng tham gia đào tạo trong nước

Để nâng cao chất lượng nền y tế thì cần có cấu trúc khám chữa bệnh hợp lý, đủ số lượng đội ngũ chăm sóc sức khỏe (bác sĩ, điều dưỡng...), đủ cơ sở y tế và phân bố hợp lý. Song song đó, cần thiết phải nâng cao công tác đào tạo từ đại học đến chuyên khoa, liên tục cập nhật kiến thức, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác quốc tế. Nâng cao chất lượng nghiên cứu và các hoạt động khoa học của khoa học sức khỏe chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng nền y tế nước nhà.

Tôi luôn mong muốn tất cả chúng ta, những ai có các mối quan hệ, nhất là tại các nước có nền y tế tiên tiến, cố gắng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Đó có thể là hợp tác nghiên cứu cơ bản, lâm sàng hay đơn giản là các hoạt động trao đổi học thuật, hoặc cao hơn là chuyển giao công nghệ, đào tạo. Các hoạt động này sẽ giúp nâng cao chất lượng của nền y tế Việt Nam trong tương lai. Ngoài ra, các đơn vị, các đồng nghiệp Việt Nam cũng cần chủ động, lên kế hoạch kết nối với đồng nghiệp nước ngoài.

Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, tôi luôn sẵn lòng dành một phần thời gian để tham gia công tác đào tạo tại các đơn vị trong nước. Và với vai trò cố vấn y khoa, được tiếp xúc và làm việc với rất nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế tại Đức, tôi sẽ tiếp tục xây dựng các mối quan hệ với hy vọng một ngày nào đó, họ sẽ lại đến Việt Nam tham gia hỗ trợ các đơn vị y tế, các đồng nghiệp của tôi tại quê nhà. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.