Chui ra khỏi đất

Bốn năm có thể là ngắn, nhưng đôi khi là cả một đời, như con ve sầu chẳng hạn. Liệu có đủ để em hiểu hết những vẻ đẹp mà Hà Nội giấu kỹ?

1. Hà Nội đón tôi bằng cái lạnh se se người tháng chín, tôi lạ lẫm với tiết trời thu. Sân bay gió thổi bạt ngọn cỏ, kéo xiên những hạt mưa mỏng yếu chẳng làm nổi ướt áo. Tôi mường tượng, cái khoảnh khắc mà con ve sầu chui lên khỏi đất sau bao tháng chôn vùi trong đất, thật sự thiêng liêng. Mọi thứ lạ lẫm, dù trước đây hay bây giờ, tôi đều đứng dưới bầu trời này, nhưng giờ đây nó thật khác. Cảm giác đôi khi không thể diễn tả đủ bằng lời, phải chăng do lòng người mà bầu trời trở thành của riêng Hà Nội, không lẫn với bất cứ mây gió ở bất cứ đâu khác, như miền sông nước quê tôi?
Chị tôi nói, chẳng đâu như ở quê mình, con người thiệt thà chân chất. Nên tôi ghé Hà Nội trong một nỗi luôn dè chừng và đề phòng hết mức. Như khi chạm những bước chân đầu tiên lên khỏi đất, con ve sầu cảnh giác với mọi thứ. Nó không biết, lòng đất cũng cất giấu trong mình những mối nguy, và mặt đất cũng nhiệm màu và kỳ diệu biết mấy. Sự thực thì chị tôi chưa đặt chân đến vùng đất nghìn năm văn hiến này bao giờ, chúng ta cùng sống dưới một nền trời!
2. Tôi thương những người phụ nữ trong dáng dấp nhỏ nhắn, tôi nhận ra rằng những người mẹ, người bà ở Hà Nội thường có dáng người nhỏ nhắn. Họ xuất hiện tĩnh lặng, âm thầm như không muốn làm xáo động một trời thu đầy xác lá. Đến cái gánh mưu sinh để đổi đồng tiền của họ cũng khiêm tốn biết mấy, cô hàng nước quấn mình trong chiếc khăn cổ đỏ bạc màu, chiếc nón len sờn, úm hai đôi tay nhăn và u nần của mình giữa hai đùi để ủ ấm. Cô kiệm lời, chỉ cười bằng mắt với những vị khách quen. Cái hàng nước gọn ghẽ như dáng người, cô bày ra vài loại nước ngọt vàng đỏ, trà, mấy bao thuốc Thăng Long mềm, một cái điếu (hết sức Hà Nội) bóng loáng mồ hôi tay... Tôi chụp lại cái hàng nước ấy, gửi ảnh cho chị, nhắn: “Trà đá vỉa hè”.
3. Có những đoạn đường được Hà Nội giấu kỹ, xe cộ không tấp nập, đường nhỏ và hai bên rợp những hàng cây xanh. Những lần đi không đích đến, tôi bỏ mặc mình theo sự dẫn đường của thủ đô. Và rất chậm, tôi nếm vị cổ kính và đượm buồn trên những đoạn đường ấy, nhỏ hẹp nhưng bao dung với những mưu sinh loài người. Tôi biết đến tiết trời thu, lá bàng đỏ màu trong cái nền xám xịt của những khu phố cổ. Những chiếc xe mang một miền hoa, chậm chạp, hơi lạc loài giữa những cửa tiệm nhiều đèn và kính. Chỉ là một chiếc xe đạp nhỏ, cũ rích, xiêu vẹo, chất những màu hoa, những cánh hoa nhẹ nhưng nặng khối lo toan của mấy miệng ăn nheo nhóc, ở một con hẻm nhỏ và tối nào đó, khuất ánh đèn Hà Nội. Hay tình cờ một gánh tàu phớ (tàu hủ non) nóng hổi, một gánh cốm oằn trên vai của các cô các bà, tôi sợ họ sẽ bị phố thị bóp nghẹt hơn nữa và dúm dó hơn nữa...
Và cả những tiếng xào xạc khô khốc trong gió lạnh, gom những xác thu, tiếng chổi cỏ của những cô lao công quét rác. Lặng lẽ và thu mình trên những con đường rộng tấp nập người xe, và mái tóc những người phụ nữ bé nhỏ ấy lơ phơ, ai sẽ cột lại giùm mái tóc ấy khi đôi tay họ đang bận rộn với cán chổi? Hôm nay, đường sao nhiều xác lá...
4. Chị, ở đâu cũng có những người phụ nữ hiền, lặng lẽ hy sinh và bạc màu áo lam lũ, nên ở đâu cũng đẹp! Hà Nội đẹp một nét riêng, trời Hà Nội đẹp một nét riêng. Em ở đây, và quê mình cũng có những người tha phương từ đất tổ; chúng ta dưới cùng một nền trời!
Bốn năm có thể là ngắn, nhưng đôi khi là cả một đời (như con ve sầu chẳng hạn), liệu có đủ để em hiểu hết những vẻ đẹp mà Hà Nội giấu kỹ? Chú ve sầu có tiếc nuối vào khoảnh khắc cuối, nên để lại trên cây những thế hệ sau này?
Chị nhắn muốn được ra Hà Nội. Em cười, một chú ve chuẩn bị chui lên từ lòng đất!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.