Chữa trầm cảm bằng yêu thương

22/04/2018 00:00 GMT+7

Mới đây, hội thảo khoa học kỹ thuật lần thứ 35 do Trường ĐH Y Dược TP.HCM tổ chức đã công bố nghiên cứu trên 830 sinh viên, cho thấy có đến 23,7% sinh viên bị trầm cảm.

Có rất nhiều lý do dẫn đến chứng trầm cảm ở sinh viên được tiến sĩ - bác sĩ Lê Minh Thuận, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Q.2, chia sẻ: “Áp lực học tập, thay đổi môi trường sống, sự kỳ thị về giới tính, không có kỹ năng giải quyết vấn đề… tất cả đều có thể dẫn đến những vấn đề về tâm lý”.
Nguyễn Thị Oanh, sinh viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM , từng có công trình nghiên cứu khoa học đạt giải nhì cấp trường (2017) về đề tài “Mối quan hệ giữa nâng đỡ xã hội và ý thức về giá trị bản thân với thích nghi đại học ở tân sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM”, cho biết: “Sinh viên năm nhất và năm hai gặp rất nhiều vấn đề trong việc thích nghi môi trường mới, thường cảm thấy cô đơn và rất dễ rơi vào những khủng hoảng tâm lý”.
Còn Phương Nam, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, từng bị trầm cảm, chia sẻ: “Suốt một thời gian dài mình đến gặp bác sĩ, nhưng tình trạng không được cải thiện thêm chút nào. May mắn ở thời điểm đó, nhiều bạn bè đã gần gũi nói chuyện, trao đổi và kết nối với mình, nhờ vậy mình đã hòa nhập với mọi người, tích cực tham gia các hoạt động xã hội”.
Trầm cảm tùy theo mức độ của bệnh mà có các biện pháp chữa trị khác nhau. Tuy nhiên bản thân người trầm cảm cũng có thể tự mình vượt qua được nếu biết cách luyện tập. “Để sinh viên tránh rơi vào tình trạng trầm cảm, điều tốt nhất là hãy thực hiện một chế độ sống lành mạnh, sống có trách nhiệm, mỗi giây phút đều sống trọn vẹn với giá trị của cuộc đời. Tìm được cân bằng trong cuộc sống, yêu thương và chia sẻ thì khi ấy bản thân các bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc”, ông Nguyễn Ngọc Sơn (Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban Xã hội - Y tế Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM), người có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực tâm lý, cho biết.
Còn với tiến sĩ - bác sĩ Lê Minh Thuận thì mong muốn các trường đại học quan tâm hơn nữa các vấn đề về tâm lý mà sinh viên gặp phải. Có phòng tham vấn riêng, nơi để sinh viên được trò chuyện và được lắng nghe. Hội Sinh viên cũng đóng vai trò rất quan trọng với sứ mệnh kết nối sinh viên lại với nhau để không ai cảm thấy mình cô đơn những lúc gặp phải khó khăn trong học tập và cuộc sống.
Người trẻ hãy mở rộng giao lưu
Trầm cảm không chừa bất kỳ ai, và bản thân mỗi người phải tìm cách để phòng chống, tránh xa những nguồn dễ dẫn chúng ta đến trầm cảm.
Mỗi người trẻ hãy mở rộng kênh giao lưu của mình. Những bạn trẻ có xu hướng ít khi chia sẻ với người khác nên khi gặp những biến cố cứ âm thầm chịu đựng một mình, vượt qua không được rồi dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, trầm cảm. Bên cạnh đó, nên tạo thói quen tham gia các hoạt động xã hội. Vì khi các bạn không tìm được lối thoát cho những hoạt động của cá nhân. Thì hãy tham gia những hoạt động cộng đồng, biết đâu bạn sẽ thấy được giá trị của mình khi tham gia những hoạt động này và củng cố được niềm tin vào bản thân, từ đó sẽ suy nghĩ tích cực hơn.
Chuyên viên tâm lý Chế Dạ Thảo, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Nữ Vương (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.