Chưa rành mạch thẩm quyền ký hợp đồng dầu khí, ai chịu trách nhiệm?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/08/2022 12:10 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc quy định cả Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Công thương phê duyệt hợp đồng dầu khí là chưa rành mạch thẩm quyền, chưa đảm bảo nguyên tắc cải cách hành chính.

2 phương án phê duyệt hợp đồng dầu khí

Sáng 16.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự án luật Dầu khí sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo dự kiến giải trình tiếp thu dự án luật Dầu khí sửa đổi tại phiên họp

gia hân

Báo cáo dự kiến tiếp thu giải trình dự thảo luật Dầu khí sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 (5.2022), một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa theo hướng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí, giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt và chịu trách nhiệm về nội dung chi tiết hoạt động dầu khí gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ý kiến khác nhất trí quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí.

Từ đó, Ủy ban Kinh tế thiết kế 2 phương án với việc phê duyệt hợp đồng dầu khí.

Theo đó, phương án 1, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí trước khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký kết hợp đồng dầu khí.

Phương án 2, sau khi hoàn thành đàm phán hợp đồng dầu khí, trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí trước khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký kết hợp đồng dầu khí.

Ai chịu trách nhiệm?

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, theo phương án 1 chưa rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền giữa Thủ tướng và Bộ Công thương.

“Một việc mà 2 chủ thể phê duyệt. Thủ tướng phê duyệt khung, Bộ Công thương lại phê duyệt bước thứ 2. Thế sau này có chuyện gì ai chịu trách nhiệm?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

gia hân

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, một hợp đồng dầu khí mà tiến hành 2 bước phê duyệt như phương án 1 thì không đúng nguyên tắc “1 việc chỉ giao cho 1 người” để cải cách thủ tục hành chính.

“Quá trình chuẩn bị xin ý kiến các bộ chán chê rồi, lên Thủ tướng lại xin ý kiến lần nữa. Chắc chắn là khi Thủ tướng phê duyệt phải có ý kiến chính thức của các bộ. Rồi lên Bộ Công thương phải phê duyệt lần nữa rồi mới tới Tập đoàn dầu khí”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, theo cách này thì “kéo rê, kéo dài” việc phê duyệt.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ hợp đồng dầu khí. Còn nếu phân cấp thì quy định nguyên tắc cơ bản của hợp đồng trong luật và để Bộ trưởng Công thương phê duyệt.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, trong hoạt động dầu khí thì hợp đồng là quan trọng nhất.

“Tất cả các tranh chấp đều liên quan đến hợp đồng. Đây là cái quyết định cho tất cả, nhà đầu tư chỉ biết cái này. Chính phủ bị ràng buộc cũng chỉ bởi cái này”, ông Ngọc nói và cho rằng, nên để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Tôi nghĩ hai bên cùng phê duyệt 2 nấc thì không biết phê duyệt cái gì cả, mất rất nhiều thời gian. Hoạt động dầu khí liên ngành, đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Công thương không thể tự quyết được và muốn quyết phải có hội đồng”, ông Ngọc kiến nghị.

Xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội

Đại diện cơ quan soạn thảo giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị thực hiện theo phương án 2, là phương án mà Chính phủ đã trình tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp

gia hân

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung của hợp đồng dầu khí. Đồng thời, Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí.

Theo ông Diên, hợp đồng dầu khí là thoả thuận ràng buộc pháp lý giữa nhà nước và nhà đầu tư (nhà thầu dầu khí) có thời hạn rất dài (thường hơn 30 năm), có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển,...

Bên cạnh đó, các điều khoản của hợp đồng dầu khí liên quan mật thiết với nhau, do đó rất khó phân định các điều khoản chính, điều khoản phụ.

“Do vậy, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp thực tiễn hoạt động dầu khí tại Việt Nam”, ông Diên nhấn mạnh.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp tục rà soát căn cứ, đánh giá tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ ưu, nhược điểm của 2 loại phương để xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và các Đoàn đại biểu Quốc hội, lựa chọn phương án phù hợp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.