Chưa rằm đã 'xả hàng' bánh trung thu

07/09/2022 08:09 GMT+7

Còn vài ngày nữa mới đến rằm tháng 8, nhưng tại Hà Nội , nhiều cửa hàng đã bắt đầu giảm giá, xả hàng bánh trung thu, do thị trường bánh trung thu năm nay khá ảm đạm.

Xả “sập sàn” nhiều loại bánh

Trước nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, nhiều hàng bánh trung thu online rao bán Lava trứng chảy với giá 750.000 - 800.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, ngày 5.9, trên nhóm chợ cư dân của khu chung cư ở Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) loại hộp bánh 8 chiếc này được xả hàng với giá chỉ còn 380.000 đồng/hộp.

Bánh trung thu giảm giá tại siêu thị Winmart

Hải Bình

Khi nhiều khách mua hàng thắc mắc sao giá lại rẻ bất ngờ, người bán cho biết bao bì được đóng gói xịn sò, biếu tặng cực sang, nhưng do người bạn bị “bom” 1.200 chiếc bánh sát ngày rằm, nên phải “đẩy giúp bạn cho hết hàng, chứ không phải bán kiếm lời”.

Chị Mai Hà Giang, nhân viên ngân hàng đang sinh sống tại khu chung cư này, cho hay: “Tuần trước tôi vừa mua 2 hộp bánh Lava trứng chảy Hồng Kông giá 750.000 đồng/hộp, tưởng đã rẻ lắm rồi. Không biết chất lượng thế nào, nhưng thấy hộp bánh mẫu mã y hệt đã giảm giá 50%”.

Tại một cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu ở đường Yên Phụ (Q.Tây Hồ, Hà Nội), trong 2 ngày 5 - 6.9, bánh trung thu cao cấp “xách tay” Hồng Kông đang xả "sập sàn", kêu gọi khách hàng ủng hộ. Trong đó, nhiều loại bánh của hãng Kee wah giá tiền triệu cũng đã giảm 200.000 đồng/hộp. Chẳng hạn, hộp 4 bánh loại to giảm từ 1,45 triệu đồng còn 1,25 triệu đồng; bánh Kee wah hộp to (10 bánh) giảm từ 2,995 triệu đồng xuống còn 2,8 triệu đồng/hộp; bánh Lava trứng chảy vị bơ sữa giảm từ 1,28 triệu đồng xuống 1,195 triệu đồng/hộp.

Ngoài ra, nhiều loại bánh giảm từ 100.000 đồng/hộp. “Bánh giảm giá không phải là hàng gần hết hạn sử dụng mà do mỗi loại bánh chỉ còn từ 1 - 5 hộp, cửa hàng muốn đẩy đi cho nhanh còn nghỉ sớm. Bánh qua rằm vẫn sử dụng thoải mái”, nhân viên bán hàng cho hay.

Không chỉ có bánh trung thu nhập khẩu giảm giá, bánh truyền thống trong nước cũng bắt đầu giảm theo. Một số cửa hàng online rao bán bánh dẻo thập cẩm Đông Phương (Hải Phòng) từ 90.000 đồng xuống còn 65.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, hạn sử dụng chỉ còn đến ngày 9.9.

Tại siêu thị Winmart Thái Thịnh (Q.Đống Đa, Hà Nội), năm nay quầy bánh trung thu được thu hẹp lại, khách hàng không có nhiều lựa chọn, chỉ có một vài mẫu bánh của Winmart và Hữu Nghị. Trong đó, các loại bánh nướng Winmart đều có mức giảm đồng giá từ 75.000 đồng xuống 56.000 đồng/chiếc.

Trên sàn thương mại điện tử Shopee, nhiều cửa hàng bánh online bắt đầu giảm giá bánh nhập khẩu và bánh trong nước. Đơn cử, bánh trung thu trứng chảy Đài Loan giảm 25%, từ 450.000 đồng xuống 339.000 đồng/hộp; bánh trung thu thương hiệu saffron Việt Nam nhân thập cẩm xá xíu, đậu xanh trứng… giảm giá từ 30 - 50%, giá bán lẻ giảm từ 90.000 đồng xuống còn 48.000 đồng/chiếc; bán theo hộp giảm từ 350.000 đồng xuống còn 240.000 đồng/hộp; bánh trung thu Vinabisca giảm 30%, từ 80.000 đồng/chiếc xuống còn 56.000 đồng/chiếc…

Trong khi đó, các quầy bánh Kinh Đô trên phố Phạm Ngọc Thạch (Q.Đống Đa), Lê Trọng Tấn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) hàng bán gần hết, không còn nhiều loại bánh để khách lựa chọn. Một nhân viên bán bánh Kinh Đô trên phố Lê Trọng Tấn cho hay: “Thị trường bánh trung thu năm nay nhìn chung khá ảm đạm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cơ quan, đơn vị và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Đầu mùa, bánh ế nên đại lý có chính sách giảm giá từ 12 - 18% cho khách mua hàng có hóa đơn từ 10 triệu trở lên. Các đại lý không dám nhập hàng nhiều. Cách đây 1 tuần trước, chính sách giảm giá không còn được áp dụng do chỉ ít hàng bán lẻ”.

Không nên tham rẻ mua hàng trôi nổi

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), việc các cửa hàng bánh trung thu giảm giá bán là chuyện hết sức bình thường, bởi nếu không bán thì sẽ ế.

Ông Thịnh cho biết, thông thường bánh trung thu truyền thống có hạn sử dụng 1 tuần, còn bánh nhập ngoại từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… có thể do công nghệ sản xuất, bao bì, bảo quản tốt hơn nên hạn sử dụng lên tới 1 tháng. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết nắng nóng, các quầy bánh trung thu hầu hết ở ngoài đường phơi nắng cả ngày, nếu bảo quản không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh và sức khỏe của người tiêu dùng.

“Chúng ta không nên ham rẻ khi mua các loại bánh hạ giá, nhất là các loại bánh nhập khẩu, gắn mác “xách tay” từ nước ngoài. Nhiều nơi quảng cáo bánh xách tay số lượng hạn chế, nhưng thực chất lại qua đường không chính ngạch với số lượng lớn. Những loại bánh này đều không có nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt, người mua không biết bánh nguồn gốc sản xuất thế nào, bánh được bảo quản ra sao?”, ông Thịnh cảnh báo.

Để tránh tiền mất, tật mang, PGS Thịnh lưu ý người tiêu dùng nên xem hạn sử dụng trên bao bì. Theo quy định, phụ gia bảo quản thực phẩm chỉ trong 1 tháng, nếu bánh có hạn trên 1 tháng là có vấn đề. Người mua nên chọn bánh mới, có bề mặt trơn mịn. Nếu bánh cắt ra chảy nước là bánh cũ, bị để lâu, nguy cơ nấm mốc tấn công.

Trước thực trạng bánh trung thu trôi nổi, không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên thị trường, theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đơn vị này đã đề nghị sở y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với sở công thương, sở NN-PTNT triển khai kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố...

Bên cạnh yêu cầu kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.