Chưa 'ông trùm' buôn bán động vật hoang dã nào bị đưa ra ánh sáng

Chí Nhân
Chí Nhân
10/05/2022 14:44 GMT+7

Đây là vấn đề nhức nhối mà nhiều năm qua vẫn chưa được các cơ quan chức năng trả lời trước công luận.

Ngày 10.5, tại TP.HCM, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), một trong những tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam: Thành tựu và thách thức”.

Tháng 1 năm 2022, gần 7 tấn vảy tê tê, ngà voi nhập lậu từ Nigeria về Đà Nẵng. Lực lượng chức năng phải mất nhiều ngày để kiểm đếm

nguyễn Tú

“Chỉ đứng sau ma túy và buôn người”

Từ năm 2005 - 2021, tổng số vụ vi phạm bị phát hiện là 21.839 vụ. Đáng chú ý có đến 2.316 số vụ quy mô lớn và 8.161 vụ vi phạm trên internet.

Chỉ riêng quý 1/2022, có đến 808 vụ việc với 1.631 hành vi vi phạm bị phát hiện. Cơ quan chức năng đã hỗ trợ tịch thu 241 cá thể và hỗ trợ tiếp nhận 50 cá thể. Bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV, nói: Hiện nay trung bình mỗi ngày đường dây nóng 1800-1522 của ENV tiếp nhận 10 cuộc gọi phản ánh các hành vi vi phạm, tăng gấp đôi so với những năm trước đó. Ngoài việc hoạt động của ENV được cộng đồng biết đến và quan tâm nhiều hơn thì việc này cho thấy, mức độ vi phạm ngày càng nhiều và chế tài xử phạt hành vi vi phạm ngày càng rộng.

Cụ thể, bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nâng mức hình phạt tiền tối đa từ 500 triệu đồng lên đến 2 tỉ đồng; mức phạt tù tối đa từ 7 lên 15 năm tù giam. Theo bộ luật mới, năm 2021 có 133 vụ án có đối tượng bị bắt giữ thì có đến 80 vụ có đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với 225 đối tượng. Có 45/80 vụ có đối tượng phải nhận án tù giam với tổng số 74 đối tượng với mức án trung bình gần 4 năm/đối tượng.

Đáng chú ý, ngày 4.12.2021, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt Đỗ Minh Toản 14 năm tù về tội vận chuyển trái phép sừng tê giác. Tang vật là 55 khúc sừng tê giác nặng 126,5 kg nhập lậu từ Dubai về Việt Nam qua sân bay quốc tế Nội Bài. “Đây là mức án cao nhất từng được tuyên đối với tội phạm về động vật hoang dã”, bà Hà nhận xét.

Bà Hà dẫn các phân tích của các chuyên gia và tổ chức quốc tế cho biết: Lĩnh vực buôn bán động vật hoang dã ngày càng phát triển và mức lợi nhuận chỉ đứng sau các loại hình tội phạm khác như buôn ma túy và buôn người. Việt Nam bị đánh giá là thị trường tiêu thụ và trung chuyển động vật hoang dã lớn trên thế giới nhưng lại thiếu những giải pháp hiệu quả xử lý loại tội phạm này.

Chưa có “ông trùm” nào bị đưa ra ánh sáng

Số liệu thống kê của ENV ghi nhận ở các cảng biển từ năm 2018 đến nay có đến 42.369 kg vảy tê tê và 15.785 kg ngà voi bị phát hiện trong đó có nhiều vụ quy mô lớn với số lượng hàng trăm kilogram thậm chí hàng tấn động vật hoang dã. Đáng nói, từ 2018 đến nay không có đối tượng nào đứng sau các vụ bắt giữ đó tại các cảng biển bị đưa ra xét xử. “Các cơ quan chức năng và cơ quan tiến hành tố tụng cần tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này cũng như áp dụng các hình phạt nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa. Tập trung nguồn lực để điều tra xử lý đối với các đối tượng đứng đằng sau các lô hàng này”, bà Hà tha thiết.

Gần 7 tấn vảy tê tê, thật không thể tưởng tượng đã có bao nhiêu cá thể tê tê bị sát hại vì những hành động bất nhân của bọn buôn lậu động vật hoang dã

NGUYỄN TÚ

Qua thực tế khảo sát thì công thức chung là: nhập lậu động vật hoang dã vào trại gây nuôi động vật hoang dã sau đó hợp thức hóa bằng cách khai báo động vật hoang dã nuôi tự sinh sản rồi đưa trở ngược ra thị trường. Chúng tôi phát hiện đích đến của nhiều động vật hoang dã có giấy phép đều đến… Móng Cái (Quảng Ninh) - nơi gần với thị trường tiêu thụ động vật hoang dã lớn nhất thế giới.

Theo bà Hà, gần đây có vụ việc là trại nuôi động vật hoang dã hợp pháp ở Đồng Tháp. Trại và cơ quan chức năng địa phương này một mực khẳng định là gây nuôi thành công rùa đầu to. Họ thả nhiều cá thể rùa cùng với nhau. Tuy nhiên họ không hiểu là chỉ cần thả 2 cá thể này chung thì chúng sẽ đánh nhau đến lúc một mất một còn. “Ngay cả các chuyên gia ở các trung tâm cứu hộ, các nhà khoa học nghiên cứu cũng không thể nuôi thành công loại rùa đầu to này trong môi trường nuôi nhốt”, bà Hà nói.

Nhiều khách mời cũng đồng tình và cho rằng các sản phẩm động vật hoang dã bị buôn bán trái phép có giá trị cao và khách hàng tiêu thụ là những người có rất nhiều tiền và cả thế lực. Đây là nhóm đối tượng rất khó thay đổi nhận thức và hành vi. Chính vì vậy, luật pháp cần phải đủ mạnh bên cạnh đó các cơ quan thực thi cũng cần thực thi nghiêm minh pháp luật. Mặt khác, cần tăng cường giáo dục để nâng cao ý thức cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.