Chưa nên cấm xe máy

Xe máy đã trở thành nét văn hóa của người Việt, kể cả tầng lớp đã chuyển sang “văn hóa xe hơi” vẫn “xa cua” xe máy trong nhà dùng để đi chợ hoặc lui tới những điểm gần nơi sinh sống.

Ở TP.HCM - thành phố hoa lệ bậc nhất cả nước nhưng một phần quan trọng của thành phố này là xe máy.
Vậy nên, đề xuất cầm xe máy khiến nhiều người cảm thấy hoang mang. Vỉa hè đã không cho buôn bán, giờ phương tiện phổ biến nhất, tiện dụng nhất có nguy cơ không được sử dụng.
Dĩ nhiên, cấm xe máy cũng được! Công bằng mà nói, xe máy là một trong những phương tiện mất an toàn nhất thế giới. Ở Việt Nam, hơn 9.000 người chết mỗi năm hầu hết có nguyên nhân từ xe máy.
Nhưng, cấm xe máy thì đi bằng gì? Trong khi, không riêng gì TP.HCM mà các thành phố khác của nước ta, hệ thống giao thông chằng chịt: đại lộ - đường vành đai - đường nhánh - kiệt - hẻm - ngóc ngách… Vấn đề là người ta chẳng lẽ phải đi bộ lổm ngổm trong từng con hẻm dài hun hút?
Theo lô gic thông thường, khi đóng cánh cửa nào đó thì phải mở một cánh cửa khác. Người viết tin rằng, người dân hoàn toàn ủng hộ chủ trương cấm xe máy nếu như có phương tiện công cộng nào đó có thể thay thế hoàn toàn - hoặc thậm chí phải tốt hơn xe máy.
Nhìn sang các nước phát triển, xe máy tự tiêu biến khi hạ tầng giao thông được hoàn thiện đến mức đáp ứng mọi nhu cầu đi lại. Họ có hệ thống tàu điện ngầm như mạng nhện dưới lòng đất và đại lộ thông thoáng đủ chỗ cho mỗi gia đình sở hữu ít nhất một xe hơi.
Vả lại, kết cấu kinh tế của các thành phố ở những nước phát triển chủ yếu là thương mại, dịch vụ ở đẳng cấp cao; người dân có thể làm việc tập trung trong các tòa nhà chọc trời hay những trung tâm khổng lồ nên giao thông dễ quy về một mối.
Mặc dù là đô thị lớn nhưng kết cấu kinh tế của TP.HCM còn mang nặng thói quen nông nghiệp, đó là buôn bán manh mún, nhỏ lẻ, phân tán khắp nơi. Đặc điểm kinh tế này cần có một phương tiện dễ sử dụng, nhỏ gọn, tiện lợi có thể vận chuyển hàng hóa giữa các điểm.
Thực tế ở Việt Nam, nhiều người đã chán xe máy nhưng chưa với tới xe hơi do giá quá cao từ thuế và phí chằng chịt. Nghịch lý hơn nữa là ở TP.HCM, nhiều người dư tiền tậu xế hộp nhưng không biết… để đâu! Sống trong chung cư hoặc trong hẻm nhỏ, tiền gửi xe mỗi năm lên đến cả trăm triệu đồng, không phải ai cũng đủ điều kiện trang trải khoản phát sinh này.
Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là sinh kế của hàng triệu người dân gắn chặt với chiếc xe máy. Không ít gia đình còn coi đó là tài sản quý giá. Sự phát triển kinh tế của thành phố lớn nhất nước có sự đóng góp không nhỏ từ đội ngũ tiểu thương “hai bánh” đổ về từ các tỉnh thành lân cận.
Cấm xe máy là xu thế, nhưng chưa phải bây giờ. Nếu muốn làm nhanh, không phải đẩy mạnh “cấm” mà thành phố phải bỏ ra hàng tỉ đô la đầu tư hạ tầng giao thông. Đó mới là cách giải quyết vấn đề tại gốc.
Ngay thời điểm này, nếu xe máy bị cấm thì tình hình giao thông còn bi đát hơn. Lấy gì phục vụ nhu cầu đi lại, buôn bán, giao thương cho hàng chục triệu lượt đi lại mỗi ngày? Hệ thống xe buýt hiện tại có đảm đương nổi nhiệm vụ này?
Kẹt xe, tắc nghẽn giao thông - nguyên nhân sâu xa - không xuất phát từ xe máy nếu không muốn nói phương tiện xe máy là cách cách tốt nhất để đi lại trong thành phố hiện tại. Nếu giá xe hơi được “cởi bỏ” thuế và phí sẽ xuất hiện một cuộc cách mạng đi lại tại Việt Nam và với hạ tầng giao thông hiện tại tình hình kẹt, ùn tắc còn nghiêm trọng hơn gấp bội.
Phương tiện đi lại của người dân phần nào phản ánh sức mạnh nền kinh tế, mà trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện tại, cấm xe máy là cách làm lộn ngược. Chưa thể bắt buộc người dân buông bỏ xe máy trong khi họ không có nhiều lựa chọn khả dĩ hơn.
Hãy cứ xây một sân vận động lớn trước khi muốn chuyển từ cách chơi mỗi đội 5 người thành 11 người!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.