Chưa đáng ngại mẫu 'Omicron tàng hình'?

27/01/2022 06:32 GMT+7

Giới chuyên gia cho biết chưa đủ dữ liệu để kết luận rằng phiên bản BA.2 của biến chủng Omicron gây nguy cơ nhiều hơn so với phiên bản gốc BA.1.

Cộng đồng khoa học các nước gần đây bắt đầu chú ý đến BA.2 khi phiên bản vi rút này được phát hiện tại nhiều nước trên 4 châu lục. BA.2 được cho là mang những đột biến khiến khó bị phát hiện hơn so với BA.1, nên được ví là “biến chủng tàng hình”. Theo AP, từ giữa tháng 11.2021, hàng chục nước đã đăng tải gần 15.000 mẫu giải trình tự gien của BA.2 lên cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID.

Biến chủng Omicron của SARS-CoV-2 đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho kinh tế toàn cầu

AFP

Không khác biệt nhiều

Thông tin về BA.2 vẫn đang được nghiên cứu thêm nhưng theo nhận định của một số nhà khoa học, phiên bản này có tính lây lan ngang bằng hoặc hơn đôi chút so với BA.1. Tuy vậy, kết quả phân tích ban đầu của các nhà khoa học Đan Mạch, nơi BA.2 chiếm 45% tổng số ca nhiễm trong nửa đầu tháng 1, không có sự khác biệt về tỷ lệ nhập viện giữa BA.2 và BA.1.

Hiện chưa rõ mức độ hiệu quả của vắc xin và thuốc điều trị đối với phiên bản này, nhưng có những chuyên gia lạc quan rằng BA.2 sẽ không gây tác động lớn. Nhiều người nhiễm Delta vẫn nhiễm lại Omicron BA.1, nhưng chưa biết người nhiễm BA.1 có nhiễm lại BA.2 không. Tuy vậy, AP dẫn lời chuyên gia bệnh truyền nhiễm Daniel Kuritzkes tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ (Mỹ), giáo sư Trường Y Harvard, cho rằng hai phiên bản có đủ điểm chung để giúp người nhiễm loại này có thể miễn nhiễm trước loại còn lại.

Biến thể Omicron "tàng hình" lây lan ở nhiều nước

Về biến chủng Omicron nói chung, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hôm qua công bố báo cáo lạc quan về đợt bùng phát gần nhất, trong đó Omicron chiếm 99,5% tổng số mẫu được phân tích. Theo báo cáo, dù số ca nhiễm Covid-19 và nhập viện đạt mức kỷ lục, nhưng những chỉ dấu về độ nghiêm trọng như thời gian lưu lại bệnh viện, số ca điều trị tích cực và tử vong, đều thấp hơn so với những đỉnh dịch trước đó.

Báo cáo này tương tự như dữ liệu được phân tích từ những nơi làn sóng Omicron đạt đỉnh trước Mỹ như Nam Phi, Anh và Scotland, gợi ý biến chủng này gây bệnh nhẹ hơn các biến chủng trước. Tuy nhiên, CDC cảnh báo tỷ lệ tử vong hằng ngày vẫn còn đáng kể và số ca nhập viện cao có thể gây sức ép lên hệ thống y tế.

Omicron cản trở tăng trưởng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo rằng những nước ghi nhận số ca nhiễm Omicron tăng nhanh trong tháng 11 - 12.2021 đang bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm giảm xuống. Tuy nhiên, WHO cảnh báo nguy cơ tổng thể liên quan đến biến chủng này còn “rất cao”.

Israel tính tiêm liều 4 cho toàn bộ người lớn

Ủy ban Cố vấn của chính phủ Israel đã khuyến cáo tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ 4 cho toàn bộ người trưởng thành, cách liều 3 hoặc sau khi khỏi bệnh ít nhất 5 tháng, theo Reuters. Hiện nay, liều vắc xin thứ 4 chỉ được cấp phép cho người từ 60 tuổi trở lên và người thuộc nhóm nguy cơ cao. Bộ Y tế Israel cho biết khuyến cáo được đưa ra sau khi có nghiên cứu cho thấy người tiêm liều 4 có mức độ bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng cao gấp 3 - 5 lần so với người tiêm liều 3 và mức độ ngăn ngừa nhiễm bệnh cao gấp đôi. Khuyến cáo mới cần có sự phê chuẩn của lãnh đạo Bộ Y tế Israel mới được thi hành.

Hôm qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế của thế giới vì lo ngại việc biến chủng Omicron lây lan nhanh dẫn đến nhiều trở ngại. Theo AFP, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay được dự báo là 4,4%, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó của IMF. “Kinh tế toàn cầu bước vào năm 2022 với vị thế yếu hơn so với dự báo trước đó. Sự nổi lên của biến thể Omicron vào cuối tháng 11.2021 đe dọa kéo dài con đường phục hồi dự kiến này”, IMF đánh giá.

Đặc phái viên WHO: Covid-19 'đầy bất ngờ, tinh ranh', nhiều biến thể mới sẽ xuất hiện

IMF đánh giá biến chủng Omicron đã dẫn đến việc khôi phục những quy định hạn chế di chuyển tại nhiều nước, gia tăng thiếu hụt lao động trong khi sự đứt gãy chuỗi cung ứng làm gia tăng lạm phát. Theo IMF, Omicron sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong quý 1/2022 nhưng sẽ giảm bớt sau đó, khi làn sóng lây nhiễm suy yếu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.