Chưa có kế hoạch xây dựng luật Về hội, luật Biểu tình đến năm 2026

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/09/2023 14:48 GMT+7

Trong 137 nhiệm vụ lập pháp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021 - 2026) không có luật Về hội, luật Biểu tình hay luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (luật Đặc khu)...

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hội nghị thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV hôm nay 6.9 cho hay, ngày 5.11.2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch 81 về triển khai thực hiện Kết luận 19 của Bộ Chính trị ngày 14.10.2021 về Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chưa có kế hoạch xây dựng luật Về hội, luật Biểu tình đến năm 2026 - Ảnh 1.

Hội nghị thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

NGỌC THẮNG

Kế hoạch 81 đã xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần rà soát, nghiên cứu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong danh sách 137 nhiệm vụ lập pháp được xác định trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, không có tên các dự án luật Về hội, luật Biểu tình hay luật Đặc khu.

Đây là các dự án luật, pháp lệnh đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng phải rút ra do có vấn đề mới, phức tạp hoặc trong quá trình thảo luận còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Chẳng hạn, luật Về hội đã được dự kiến thông qua vào cuối năm 2016 nhưng đến phút cuối đa số ý kiến đại biểu đồng ý chưa thông qua.

Hay như luật Đặc khu dự kiến được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp giữa năm 2018 nhưng sau đó đã bị lùi lại cho tới nay.

Còn luật Biểu tình là dự án được đưa vào chương trình từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016), tuy nhiên, sau đó rất nhiều lần hoãn, rút khỏi chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

Trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 718 năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp hồi cuối năm 2020, Chính phủ cho hay, cả 3 luật nói trên đều được Chính phủ báo cáo "sẽ trình vào thời điểm thích hợp".

Như về luật Đặc khu, Chính phủ cho biết đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này; sau đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.

Đối với luật Về hội, Chính phủ đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền về một số vấn đề lớn, quan trọng của dự án luật này. Trên cơ sở ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp.

Đối với luật Biểu tình, Chính phủ cho hay đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự án luật này, bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ, tạo sự thống nhất cao, bảo đảm chất lượng và tính khả thi; báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vào thời điểm thích hợp.

Đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ

Chưa có kế hoạch xây dựng luật Về hội, luật Biểu tình đến năm 2026 - Ảnh 2.

Trong 137 nhiệm vụ lập pháp được xác định trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV chưa có tên luật Về hội, luật Biểu tình

NGỌC THẮNG

Đối với 137 nhiệm vụ lập pháp đã được xác định, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, tới nay, đã có 114/137 nhiệm vụ lập pháp hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và nghiên cứu, xây dựng mới.

Trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua; 30 nhiệm vụ đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 - 2024.

Có 10 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát nhưng các cơ quan đề xuất trước mắt chưa sửa đổi, bổ sung luật hoặc chưa xây dựng mới luật, nghị quyết.

Ngoài ra, 42 nhiệm vụ đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát nhưng chưa được các cơ quan đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, có những dự án luật được đề xuất đưa vào chương trình năm 2025 - 2026, thậm chí đưa vào chương trình Quốc hội khóa XVI.

23 nhiệm vụ khác đang được các cơ quan triển khai thực hiện. Cụ thể như bảng dưới đây:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.