Chưa ban hành luật về Hội, luật Biểu tình là ‘tồn tại' khi thi hành Hiến pháp

Vũ Hân
Vũ Hân
13/10/2019 15:15 GMT+7

Việc chưa ban hành luật về Hội, luật Biểu tình được Chính phủ kể đến như một tồn tại, hạn chế trong việc thi hành Hiến pháp 5 năm qua.

Đang tiếp tục nghiên cứu luật "đặc khu", luật Biểu tình, luật về Hội

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội tổng kết 5 năm thi hành Hiến pháp 2013.
Báo cáo cho biết, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại Danh mục (do Chính phủ trình kèm theo Nghị quyết 718/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch thi hành Hiến pháp), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật, như bộ luật Dân sự, bộ luật Hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự, bộ luật Tố tụng hình sự…
Còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong Danh mục nhưng chưa được ban hành, trong có 3 dự án luật, pháp lệnh đã đưa vào chương trình, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng cần tiếp tục chuẩn bị nên chưa được ban hành gồm luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, luật về Hội, pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp.
Theo Chính phủ, những dự án luật, pháp lệnh chưa được ban hành này ”cần được tiếp tục rà soát, đánh giá tính cấp thiết” và ”đánh giá tác động kỹ các chính sách” để làm cơ sở xác định thời điểm hợp lý sửa đổi, bổ sung, ban hành từng văn bản.
Trong 21 dự án còn nợ, có luật Chủ tịch nước và luật Tố tụng lao động đã được đề xuất không xây dựng; luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, luật về Hội, luật Biểu tình được ”rút ra khỏi chương trình, đang tiếp tục nghiên cứu”.
Một số luật chưa đề xuất đưa vào chương trình, bao gồm luật Tiền lương tối thiểu, luật Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình; luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức; luật Công nghiệp quốc phòng và động viên quốc phòng, luật về Tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn ban hành 34 luật, pháp lệnh không nằm trong Danh mục, được cho là "những luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền dân sự - chính trị, quyền kinh tế - xã hội của con người và thể chế quản lý kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước” nên được quan tâm và sớm trình Quốc hội ban hành.
Nếu tính tổng số lượng luật, pháp lệnh đã được thông qua từ tháng 1.2014 đến hết ngày 14.6.2019 thì Quốc hội đã thông qua 107 luật, bộ luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 4 pháp lệnh, trong đó bộ luật Hình sự, luật Công an nhân dân, luật Đầu tư công đã kịp sửa 2 lần, các luật về thuế sửa 4 lần…

Quốc hội chưa bảo đảm được quyền giám sát tối cao của mình

“Công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan trung ương mặc dù đã được quan tâm nhưng một số đạo luật đến nay vẫn chưa được ban hành theo kế hoạch dự kiến (như dự án luật về Hội, luật Biểu tình…); một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ (ví dụ cơ chế để Quốc hội kiểm soát quyền hành pháp, quyền tư pháp theo quy định hiện hành còn có điểm chưa thật hợp lý)”, được Chính phủ liệt kê trọng mục “tồn tại, hạn chế” của báo cáo.
Báo cáo số 429/BC-UBTVQH sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp khối Quốc hội cũng đã chỉ rõ: việc kiểm soát của Quốc hội thông qua xét báo cáo, chất vấn tại kỳ họp và thông qua hoạt động giám sát của Quốc hội “còn dàn trải, chưa tập trung làm sâu sắc những vấn đề lớn, quan trọng trong hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng hành pháp, tư pháp đúng với tính chất là “giám sát tối cao”; chưa có các thiết chế bảo đảm thực thi quyền giám sát tối cao của mình”…
Ngoài ra, chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa đồng đều; tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm; tình trạng thiếu đồng bộ giữa các quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa được giải quyết triệt để cũng là điểm tồn tại, hạn chế.
Việc các cơ quan thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp, pháp luật và thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế theo các Nghị quyết của Đảng còn chậm hoặc còn sắp xếp cơ học ở một số nơi; một số quy định về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan chưa thực sự phù hợp và còn thiếu tính dài hạn như hạn chế trong quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.