Chủ tịch UBND TP.HCM muốn lãnh đạo sở gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe, học hỏi

11/01/2023 21:32 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Nội vụ tổ chức buổi trao đổi, gặp gỡ giữa lãnh đạo sở, ngành với lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân để lắng nghe, thấu hiểu, học hỏi lẫn nhau.

Chiều 11.1, Sở Nội vụ TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao những kết quả của ngành nội vụ trong năm 2022 với khối lượng công việc nhiều, phạm vi rộng, tác động lớn, quyết định chất lượng vận hành của chính quyền đô thị.

Từ tháng 7.2021, TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị tại 16 quận và 249 phường. Sau một năm rưỡi thực hiện, ông Mãi đặt vấn đề các quận, phường thực hiện chính quyền đô thị thì các huyện, xã, thị trấn sẽ như thế nào. “Cả thành phố có 2 hệ thống hay 1 hệ thống, nhất là khi bây giờ một số nội dung xã đề nghị giống như phường”, ông Mãi phân tích và cho biết trên phạm vi cả nước, mô hình chính quyền nông thôn là chủ đạo.

TP.HCM đang làm đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị

SỸ ĐÔNG

Trên cơ sở Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Sở Nội vụ cần tham mưu tổ chức bộ máy, mô hình chính quyền ở thành phố như thế nào, theo hướng tiếp tục duy trì bộ máy hiện hữu hay tìm mô hình mới.

Tương tự, đối với TP.Thủ Đức từ 3 quận nhập lại nhưng vẫn đang vận hành theo cơ chế thẩm quyền cấp huyện, ông Mãi nhận định nếu thẩm quyền như một tỉnh thì không được, nhưng với quy mô dân số, kinh tế hiện tại thì có thể nghiên cứu theo hướng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

Lãnh đạo khu vực công tương tác, học hỏi khu vực tư

Về công tác cán bộ, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cán bộ thành phố sống trong thực tiễn phong phú, được đào tạo bài bản. Ông Mãi đặt vấn đề chất lượng đội ngũ như vậy đã đủ chưa, đã đáp ứng nhiệm vụ chưa, và xây dựng tính chuyên nghiệp như thế nào để nhận diện sự khác biệt giữa cán bộ, công chức, viên chức của TP.HCM với các địa phương khác.

“Không phải chúng ta muốn hơn người, muốn làm bề trên nhưng thực tiễn kinh tế xã hội khác thì cần đào tạo cán bộ khác. Môi trường kinh tế xã hội nào thì sẽ có cán bộ như thế”, ông Mãi nói. Bên cạnh đó, thành phố cũng phải tiếp tục giải bài toán về thiếu biên chế, phân bổ không hợp lý, thiếu cục bộ ở một số ngành, doanh nghiệp nhà nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải tổ chức thường xuyên

SỸ ĐÔNG

Vừa qua, UBND TP.HCM giao Sở Nội vụ làm đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức thực hiện các mục tiêu Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Ông Phan Văn Mãi cho biết đề án này xây dựng trên 5 thành tố: tuyển dụng, đào tạo, thu nhập, nhà ở và khen thưởng. Cụ thể, đổi mới tuyển dụng công chức để tìm kiếm những nhân tố xuất sắc, dù vẫn bám sát quy định chung nhưng có điểm riêng; hoàn thiện các chức danh, bố trí nhân sự thông qua thi tuyển.

Về đào tạo, ngoài phần cơ bản, cần đào tạo thêm theo chức danh. “Vừa rồi, lãnh đạo thành phố tiếp xúc doanh nghiệp, có đề xuất rất hay, Sở Nội vụ nghiên cứu triển khai thử 1 lớp trong năm 2022. Chúng ta tổ chức 1 buổi sinh hoạt, gặp gỡ giữa lãnh đạo các sở và lãnh đạo doanh nghiệp cùng trao đổi về 1 chủ đề, tương tác giữa khu vực công và khu vực tư để lắng nghe, hiểu biết, học hỏi và cùng làm việc thuận lợi”, ông Mãi nói, đồng thời nhấn mạnh đây là cách để học hỏi những đổi mới của khu vực tư nhân.

Về cải cách hành chính, Chủ tịch Phan Văn Mãi đánh giá việc giải quyết trên 20 triệu hồ sơ/năm là số lượng lớn. Dù vậy, số hồ sơ tồn đọng xét về phần trăm thì không cao nhưng con số tuyệt đối lại lớn. Thực tế trên đòi hỏi xây dựng quy trình đơn giản, ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết nhanh hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.