Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sớm cắt giảm các loại thuế với xăng, dầu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/07/2022 12:51 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ sớm khẩn trương xem xét cắt giảm các loại thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu để bình ổn giá xăng, dầu.

Sáng 6.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để quyết định việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu theo đề nghị của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

gia hân

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện ngoài thuế bảo vệ môi trường, còn 3 loại thuế khác đang áp dụng đối với xăng, dầu là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu.

Trong đó, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, còn thuế nhập khẩu thì thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.

“Chính phủ điều hành cho nên dù Quốc hội có muốn giảm cũng phải trên tờ trình của Chính phủ. Quốc hội có phải là cơ quan điều hành đâu?”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm khẩn trương xem xét, nghiên cứu cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

“Nếu bình thường ta sẽ xử lý theo tình thế bình thường, nếu cần cấp bách ta xử lý theo tình huống cấp bách”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 11.7

Đối với thuế nhập khẩu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, có 2 loại, gồm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt (FTA) thực hiện theo các cam kết quốc tế hiệp định song phương với Hàn Quốc và khu vực ASEAN và một loại là thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc (MFN) với thị trường Mỹ, Trung Quốc và Pháp.

Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, thị trường Mỹ, Trung Quốc, Pháp rất ít.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN khi đa dạng nguồn cung; còn loại ưu đãi đặc biệt thì phải thực hiện theo các cam kết chung, nên khó điều chỉnh.

Ngoài cắt giảm thuế, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao mà vẫn còn khó khăn, như các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp.

“Việc này các đồng chí chủ động có những kịch bản nghiên cứu để chúng ta ứng phó cho phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới và đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng với xăng dầu để trình Quốc hội tại phiên họp tháng 10.2022 hoặc tại kỳ họp bất thường của Quốc hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.