Chủ tịch Quốc hội: Văn bản hướng dẫn chậm hơn 2 năm, ai chịu trách nhiệm?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
23/11/2021 14:05 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, có những văn bản quy định chi tiết chậm hơn 2 năm vẫn chưa ban hành được nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm.

Sáng 23.11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 5 để cho ý kiến về báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

gia hân

Báo cáo tại phiên họp, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, cho biết, kết quả giám sát cho thấy, nhiều luật chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hơn 2 năm, “có những luật 3 - 4 năm sau thời điểm có hiệu lực vẫn chưa ban hành được văn bản quy định chi tiết”.

Bên cạnh đó, quá trình giám sát của các cơ quan Quốc hội cũng cho thấy, có nhiều văn bản có nội dung trái luật, chưa bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất.

Cho ý kiến sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết đây là lần đầu tiên các cơ quan Quốc hội tiến hành giám sát văn bản quy phạm pháp luật như thế này nên cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có văn bản hướng dẫn về việc giám sát này.

Cho rằng các số liệu trong dự thảo báo cáo chưa rõ, chưa chính xác, chưa có ý kiến của các đối tượng được giám sát, ông Định cũng đề nghị trước khi công bố báo cáo chính thức, cần phải làm việc với các đối tượng được giám sát để có số liệu thống nhất, chính xác về số liệu các văn bàn quy định chi tiết còn chậm.

Tham gia phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần phải họp với nhau để "có tiếng nói chung", và làm kỹ hơn về số liệu các văn bản còn chậm ban hành. Cũng như ông Định, ông Long đề nghị báo chí đưa tin chung chứ không đưa chi tiết con số.

"Mình cứ nể nang là không được"

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật là chức năng thường xuyên của các cơ quan Quốc hội. Từ đó, ông Huệ đề nghị các cơ quan Quốc hội rà soát lại quy chế, cụ thể hóa trách nhiệm, phân công cán bộ để tăng cường trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.

Ông Huệ cũng cho rằng, Tổng thư ký Quốc hội có thể có văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản hướng dẫn về việc giám sát văn bản pháp luật để việc này tiến hành thường xuyên và có hiệu quả.

Đồng tình việc số liệu về các văn bản ban hành chậm cần được thống nhất lại, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải công khai hết. “Chúng ta không để tình trạng thế này được”, ông Huệ nói; đồng thời đề nghị đưa kết quả giám sát này vào kiến nghị đối với Chính phủ trong việc chỉ đạo tổ chức kiểm điểm và khắc phục các vấn đề về xây dựng văn bản pháp luật.

“Có những văn bản chậm hơn 2 năm là đúng đấy anh Định (Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Định - phóng viên) ạ. Không sai tí nào đâu”, ông Huệ nói.

“Hôm trước họp cán bộ chủ chốt các đồng chí nói, sai phạm bên ngoài giá trị tiền rất nhỏ thì phạt nọ kia. Bây giờ cơ quan nhà nước, tổ chức, cán bộ, đảng viên làm sai, ban hành văn bản trái luật, lại không chịu trách nhiệm gì thì làm sao được? Luật có rồi mà anh để hàng năm không ban hành quy định chi tiết thì trách nhiệm anh thế nào? Chẳng lẽ không chịu trách nhiệm gì chỗ này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông Huệ cũng đề nghị các cơ quan của Quốc hội “không nể nang gì chuyện này cả”. “Mình cứ né, mình cứ nể nang là không có được”, ông Huệ nói và nhấn mạnh, tinh thần là Chính phủ công khai và Quốc hội cũng công khai kết quả giám sát cho các đại biểu Quốc hội và các cơ quan chức năng.

“Mình nói chung thế là chẳng có tác dụng gì. Mà không có tác dụng gì thì thôi tốt nhất không nên làm. Tốn kém tiền của ngân sách nhà nước. Đã làm thì làm cho đến nơi đến chốn, cho đàng hoàng”, ông Huệ nhấn mạnh và yêu cầu tiếp tục hoàn thiện báo cáo, gửi văn bản tới các đối tượng được giám sát rồi phát hành công khai. “Chả có gì phải mật hết cả”, ông Huệ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.