Chủ tịch Quốc hội: 'Nhiều luật Quốc hội thảo luận tới lui nhưng chuyên viên viết cả'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/09/2023 19:05 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn thực tế chỉ 8/28 bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, và cho rằng vẫn còn tình trạng "giao phó", tức giao cho cấp phó trong công tác xây dựng pháp luật.

Chiều 6.9, phát biểu kết luận Hội nghị thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: 'Nhiều luật Quốc hội thảo luận tới lui nhưng chuyên viên viết cả' - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị

NGỌC THẮNG

Chủ tịch Quốc hội đánh giá các dự án luật, nghị quyết bám sát kết luận của Bộ Chính trị, kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời linh hoạt, sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

"Nói chung, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, cả hệ thống chính trị đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng cũng như thực thi pháp luật. Có như vậy chúng ta mới vượt qua được thách thức, dịch bệnh như vừa qua", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Còn không ít tồn tại, hạn chế

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn nêu rõ, công tác triển khai thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội "còn không ít tồn tại, hạn chế".

Điểm lại nhiều tồn tại hạn chế đã được nêu trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các tham luận các đại biểu nêu tại hội nghị như việc tổ chức triển khai thực hiện một số luật, nghị quyết còn chậm; tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục…, Chủ tịch Quốc hội khẳng định nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế là nguyên nhân chủ quan.

Trước hết là do người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách.

Chủ tịch Quốc hội: 'Nhiều luật Quốc hội thảo luận tới lui nhưng chuyên viên viết cả' - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá còn không ít tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội

NGỌC THẮNG

Chủ tịch Quốc hội dẫn lại báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại phiên chất vấn ngày 15.8 vừa qua, nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, nhưng mới chỉ có 8/28 bộ, cơ quan thực hiện đúng yêu cầu này, 20/28 cơ quan vẫn do thứ trưởng phụ trách.

"Chúng ta vẫn chỉ là giao phó thôi. Tức là các nhiệm vụ xây dựng thể chế, pháp luật chỉ giao cho cấp phó. Nói vui vậy thôi nhưng chỗ nào giao cấp trưởng phụ trách khác hẳn. Chứ nhiều luật Quốc hội thảo luận tới lui nhưng toàn chuyên viên viết cả", Chủ tịch Quốc hội lưu ý, và cho biết vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa kịp thời xác định, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật...

Khơi thông những nút thắt thể chế

Nêu 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến hết nhiệm kỳ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cả ở T.Ư và địa phương; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội: 'Nhiều luật Quốc hội thảo luận tới lui nhưng chuyên viên viết cả' - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại hội nghị

GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, khẩn trương việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, kịp thời phát hiện các quy định qua thi hành có phát sinh vướng mắc, mâu thuẫn để sửa đổi, bổ sung báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023).

Bên cạnh đó, tăng cường cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn, không để làm phát sinh thủ tục, "giấy phép con", tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp, thiếu tính khả thi.

Chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách", "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các địa phương phát hiện sớm những bất cập trong quá trình thực hiện ngay từ cấp cơ sở để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông những nút thắt thể chế để thúc đẩy phát triển, phát huy ý nghĩa, tác dụng thiết thực của các chính sách do Quốc hội ban hành.

"Không để đến khi tổng kết nghị quyết mới nói là vướng mắc", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.