Thảo luận việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/06/2023 14:22 GMT+7

Nhấn mạnh việc quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt chưa có quốc tịch tại luật Căn cước là cần thiết, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có thể tính đến việc quy định vào điều khoản thi hành, không cần đổi tên luật cũng như tên thẻ căn cước công dân.

Sáng 10.6, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về luật Căn cước (được đổi tên từ luật Căn cước công dân), Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Đảng Lê Hoài Trung bày tỏ đồng tình quy định mới tại dự thảo luật là cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sống ở Việt Nam mà chưa xác định được quốc tịch.

Chủ tịch Quốc hội: 'Đổi tên luật Căn cước công dân cũng còn ý kiến đấy' - Ảnh 1.

Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Lê Hoài Trung nêu ý kiến góp ý tại thảo luận tổ

PHẠM THẮNG

Theo ông Trung, việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người nói trên. Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, cũng nên có thêm thông tin về số lượng những người gốc Việt đang sống ở Việt Nam mà chưa xác định được quốc tịch.

"Không biết số lượng đấy là bao nhiêu để mình có quy định. Mặc dù có thể chỉ là một vài người mà thấy cần thiết thì vẫn có quy định", ông Trung nói.

Ông Trung cũng đặt vấn đề nên bổ sung quy định trong trường hợp một người nhập quốc tịch nước khác mà Nhà nước được biết, được thông báo hoặc không được biết, được thông báo thì cách xử lý thế nào để khắc phục một số vướng mắc hiện nay.

Luật hiện hành không chính thức nói cho phép có 2 quốc tịch nhưng tạo thuận lợi rất lớn cho người Việt Nam ở nước ngoài.

"Ngắn gọn là anh nhập quốc tịch nước ngoài nhưng không nhất thiết phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Một số bà con không phải là cố ý gì cả, nhưng sau khi xin nhập quốc tịch nước ngoài chưa chắc đã thông báo cho Nhà nước", ông Trung nêu, và cho rằng, điều này cũng đang gây ra một số vướng mắc trên thực tế, cần nghiên cứu giải quyết.

Đề xuất quy định vào điều khoản thi hành

Việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt là đề xuất chính sách mới tại dự án luật Căn cước và cũng là nguyên nhân Chính phủ đề nghị đổi tên luật Căn cước công dân thành luật Căn cước.

Chủ tịch Quốc hội: 'Đổi tên luật Căn cước công dân cũng còn ý kiến đấy' - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại thảo luận tổ

PHẠM THẮNG

Theo báo cáo của Chính phủ, trong quá trình lập đề nghị xây dựng luật, Chính phủ thống nhất đưa vào luật quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử (tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam).

Vì vậy, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án luật từ luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành luật Căn cước để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật.

"Đổi tên luật cũng có ý kiến đấy, các đồng chí cho ý kiến thêm", Chủ tịch Quốc hội nói khi nêu ý kiến sau phần góp ý của Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Lê Hoài Trung.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, có ý kiến nói vẫn giữ tên luật là luật Căn cước công dân, có cấp giấy chứng nhận căn cước cho một số nhỏ người gốc Việt nói trên thì đưa vào điều khoản thi hành.

Chẳng hạn như những người đó thì được cấp thẻ căn cước và mẫu và quy trình giống như cấp thẻ căn cước công dân.

"Chỉ như thế thôi, vì ông kia có phải công dân của mình đâu. Còn chữ công dân có ý nghĩa thiêng liêng của nó", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Về băn khoăn của ông Lê Hoài Trung, Chủ tịch Quốc hội cho biết, báo cáo đánh giá tác động của dự án luật có nói rõ số lượng người gốc Việt thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận căn cước (khoảng 30.000 người - PV).

"Không phải quá lớn nhưng cũng không phải ít đâu", Chủ tịch Quốc hội nói. và cho rằng, việc cấp thẻ cho các đối tượng này là cần thiết, để quản lý.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phương án quy định vào điều khoản thi hành của dự án luật sẽ giải quyết được cả hai, không cần đổi tên luật, cũng không cần đổi thiết kế thẻ từ căn cước công dân thành căn cước.

Bộ trưởng Tô Lâm: Không có chuyện “cấp thẻ căn cước khiến công dân bị theo dõi”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.