Chủ tịch Quốc hội: 'Đấu giá đất mấy tỉ một mét thì phải tăng tiền đặt cọc'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/03/2024 16:05 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị với những tài sản giá trị lớn, đặc biệt như đất đấu giá mấy tỉ đồng mỗi mét thì phải tăng tiền đặt cọc, tránh tình trạng 'anh nào cũng muốn đấu giá nhưng cuối cùng đấu xong rồi bỏ đấy'.

Ngày 14.3, tiếp tục phiên họp 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu giá tài sản, dự kiến sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp 7 vào tháng 5 tới.

"Anh nào cũng muốn đấu giá nhưng cuối cùng đấu xong bỏ đấy"

Góp ý hoàn thiện dự luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, giai đoạn sắp thông qua tránh sa vào vấn đề kỹ thuật mà phải rà soát kỹ thể chế hóa đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực đấu giá tài sản, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp, cũng là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công.

Chủ tịch Quốc hội: 'Đấu giá đất mấy tỉ một mét thì phải tăng tiền đặt cọc'- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý luật Sửa đổi, bổ sung một số điều luật Đấu giá tài sản

GIA HÂN

Về vấn đề đặt cọc và xử lý tiền đặt cọc đấu giá, Chủ tịch Quốc hội đề xuất, với một số tài sản đấu giá có giá trị lớn thì nên tăng số tiền đặt cọc để đảm bảo khả thi, nhất là việc đấu giá đất mấy tỉ đồng mỗi mét.

"Trong luật hiện nay quy định tối thiểu là 5%, tối đa là 20%. Nên chăng một số tài sản có giá trị lớn, đặc biệt thì tăng thêm vì anh nào cũng muốn đấu giá, nhưng cuối cùng đấu xong rồi bỏ đấy", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị bổ sung quy định về lấy lại tiền đặt cọc khi thay đổi thông tin đấu giá. "Chúng tôi đặt cọc rồi nhưng tự nhiên anh thay đổi, tôi không muốn đấu nữa thì tôi lấy lại tiền đặt cọc thì quy định thế nào? Tôi có quyền thay đổi, vì anh thay đổi thông tin thì tôi có quyền thay đổi quyết định của tôi", Chủ tịch Quốc hội phân tích và cho rằng, nếu không quy định vấn đề này thì sau này rất khó xử.

Cạnh đó, đấu giá lại khi đấu giá không thành công cũng cần phải có quy định, nếu không sẽ thiếu. "Hiện nay trong dự án luật trường hợp đấu giá không thành công thì mỗi loại tài sản có cách xử lý khác nhau. Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép giảm giá khởi điểm của tài sản sau mỗi lần đấu giá không thành công", Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, trường hợp đấu giá Nhà máy bột giấy Phương Nam đến giờ vẫn không làm được vì pháp luật quy định không rõ về phương pháp đấu giá cũng như các bước giảm giá.

"Cần phải có quy định và có khung như thế nào đó để Chính phủ quy định sau này. Chúng ta không lường hết được những diễn biến thực tế trên thị trường, trong cuộc sống, mà không quy định lại không làm được", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Theo dự thảo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế cho rằng, mức đặt cọc từ 5% - 20% hiện hành là phù hợp thực tiễn và việc tăng tiền đặt cọc chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản. Đồng thời hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.

Đề nghị Chính phủ có ý kiến việc luật hóa đấu giá biển xe ô tô

Chủ tịch Quốc hội: 'Đấu giá đất mấy tỉ một mét thì phải tăng tiền đặt cọc'- Ảnh 2.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ có ý kiến rõ ràng về luật hóa đấu giá biển số xe ô tô

GIA HÂN

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tham gia ý kiến về vấn đề đấu giá biển số xe ô tô tại dự thảo luật. Dự thảo luật quy định vấn đề này tại điều khoản chuyển tiếp, ghi tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Theo ông Phương, cơ quan chủ trì dự án luật nêu do thời gian thí điểm việc đấu giá biển số xe ô tô mới có 1 năm nên chưa đủ điều kiện để đánh giá tổng kết đưa vào luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, khi Chính phủ trình luật Trật tự, an toàn giao thông cũng dự kiến thông qua tại kỳ họp 7 tới đây lại đưa vào quy định về đấu giá biển số xe.

Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ giải trình là đã đủ điều kiện luật hóa Nghị quyết 73 của Quốc hội. Theo đó, trong 5 tháng triển khai thực hiện rất thành công, đã đấu giá 14.062 biển số và được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Qua đề xuất của đại biểu Quốc hội và tiếp thu thì Chính phủ cho rằng cần phải luật hóa việc này, đồng thời mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là cần thiết. Nếu không kịp thời đưa vào mà chờ hết thời gian thí điểm, tiến hành tổng kết thì lúc đó sẽ gây tốn kém, lãng phí cả thời gian, ngân sách.

"Đấy là cách giải trình của Chính phủ. Không biết cái này là của cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công an - PV) hay là của Chính phủ. Tuy nhiên, khi tôi làm việc với Ủy ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra luật - PV) và cơ quan soạn thảo thì người ta yêu cầu làm rõ ý kiến của các bộ, ngành và ý kiến Chính phủ thế nào. Một số bộ có văn bản đồng ý nhưng phải có ý kiến của Chính phủ", ông Phương nêu.

Theo ông Phương, cả luật Đấu giá tài sản và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều được thông qua tại một kỳ họp. Do đó, nếu luật Đấu giá tài sản nói đang thực hiện thí điểm Nghị quyết 73 thì luật Trật tự, an toàn giao thông cũng phải theo Nghị quyết 73 để thực hiện hết thời gian thí điểm.

"Chúng tôi đề nghị Chính phủ phải có ý kiến chính thức về việc này cho rõ", ông Phương nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.