Chủ tịch Quốc hội: 'Dân khổ vì sổ hộ khẩu từ lâu lắm rồi'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
22/04/2020 17:03 GMT+7

Chính phủ đề nghị trình Quốc hội sửa luật Cư trú ngay trong năm 2020, bắt đầu bỏ sổ hộ khẩu giấy từ tháng 7.2021.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án luật Cư trú sửa đổi tại phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 22.4, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng thay thế phương thức quản lý cư trú từ thủ công là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bằng việc quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin.
Cụ thể là sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.
Theo ông Lâm, với quy định này, luật Cư trú sửa đổi sẽ bỏ hết các quy định về sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, sổ hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu… cũng như các quy định liên qua.
Bên cạnh đó, việc quản lý thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động tới 27 thủ tục hành chính hiện hành

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban này nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tới nay, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, báo cáo của Chính phủ cho biết, mới có hơn 16 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân.
“Đề nghị cơ quan trình làm rõ tính khả thi của việc cấp số định danh cá nhân cho khoảng hơn 80 triệu công dân còn lại trong khoảng thời gian từ nay đến khi luật Cư trú (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực (năm 2021)”, ông Tùng nói, đồng thời cũng đề nghị Bộ Công an báo cáo cụ thể hơn về tiến độ, tính khả thi của việc hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

Cũng theo ông Tùng, việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong 27 thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh doanh, đất đai, nhà ở…).
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công an đánh giá rõ hơn tác động đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính này cũng như giải pháp thay thế khi không còn sổ hộ khẩu để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Đồng thời, làm rõ lộ trình sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân hiện nay, sổ hộ khẩu là căn cứ quan trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện các giao dịch dân sự như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... Khi không còn sổ hộ khẩu thì sẽ dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện các giao dịch này vì các bên không thể tự mình truy cập Cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết.
"Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật các quy định về tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú trong các cơ sở dữ liệu điện tử”, ông Tùng nói.

"Mất sổ hộ khẩu khổ như mất sổ gạo"

Cho ý kiến sau đó, hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều đồng tình với tư tưởng tiến bộ của dự thảo, nhất là việc thay đổi phương thức quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân thay vì sổ hộ khẩu bằng giấy. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ tính khả thi của sự thay đổi này.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, tính sống còn của đạo luật liên quan trực tiếp tới việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân và cấp số định danh cá nhân theo căn cước công dân. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có 16 triệu mã số định danh cá nhân được cấp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân vẫn chưa hoàn thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp

Ảnh Gia Hân

“Làm sao để khẳng định được tới tháng 7.2021 khi luật này có hiệu lực thì 2 vấn đề trên sẽ hoàn thành, để luật này mới có thể có hiệu lực”, ông Tỵ nói, đồng thời đề nghị luật cũng cần có sự chuyển tiếp, hướng dẫn cụ thể để không dẫn đến vướng mắc pháp lý khi có hiệu lực vì việc bỏ sổ hộ khẩu liên quan tới nhiều vấn đề từ dân sự, kinh tế, hành chính lẫn hình sự.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì nhiều lần khẳng định bà rất mừng khi đọc dự thảo luật và hoan nghênh tư tưởng tiến bộ mà Chính phủ và Bộ Công an đề xuất, nhất là việc bỏ sổ hộ khẩu. “Bộ Công an là bộ thích quản lý chặt chẽ nhưng lần này thay đổi cách quản lý dân cư rất tiến bộ. Người dân khổ sở vì sổ hộ khẩu lắm rồi. Người nghèo tha phương lên thành phố làm thuê làm mướn con cái không học được vì không có sổ hộ khẩu. Đi đâu cũng kè kè cái sổ hộ khẩu”, bà Ngân nói.
“Bây giờ chúng ta xây dựng nền kinh tế số, Quốc hội điện tử, Chính phủ điện tử, dịch vụ điện tử phục vụ nhân dân mà nhân dân làm gì cũng cứ cầm cái sổ hộ khẩu. Mất sổ hộ khẩu khổ như mất sổ gạo. Tôi cũng làm mất sổ hộ khẩu phải đi khai báo lại 2 - 3 lần”, bà Ngân nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu liên quan tới các quy định, giấy tờ công dân, thủ tục hành chính đang thực hiện. Do đó, bà đề nghị cần làm rõ những vấn đề mà báo cáo thẩm tra đã nêu, rà soát kỹ để đảm bảo tính khả thi để khi luật có hiệu lực thì không bị ách tắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.