Chủ tịch Phan Văn Mãi: Tiếp tục hoàn thiện đề án trung tâm tài chính quốc tế

04/07/2023 12:57 GMT+7

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM, Bộ KH-ĐT tiếp tục cùng TP.HCM hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

Sáng 4.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương. Dự tại điểm cầu TP.HCM có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.

Báo cáo với Chính phủ, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết tăng trưởng trong quý 2/2023 của TP.HCM đạt gần 5,9%, các chỉ số như sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ hàng hóa, kim ngạch xuất nhập khẩu đều cải thiện, góp phần cải thiện bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM dùng 2 từ "nỗ lực" để khái quát những kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội. "Từ nỗ lực của Chính phủ, địa phương đến doanh nghiệp và người dân. Nỗ lực trên các mặt hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tăng cường kỷ cương hành chính", ông Mãi nói.

Riêng với TP.HCM, những chuyển biến tích cực hơn trong quý 2/2023 không chỉ là những giải pháp từ quý 1 mà là sự tích lũy từ những tháng trước đó.

Chủ tịch TP.HCM: 169 kiến nghị lĩnh vực bất động sản đã được giải quyết   - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP.HCM và các sở, ngành dự hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương

NGUYÊN VŨ

Giải quyết hàng trăm kiến nghị của doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp. Đến nay, TP.HCM đã chỉ đạo giải quyết 113/232 kiến nghị của doanh nghiệp nhà nước, 169/189 kiến nghị của 148 dự án bất động sản, 20/44 hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư và gia hạn chủ trương đầu tư.

Đối với đầu tư công, tính đến hết tháng 6.2023, TP.HCM đã giải ngân hơn 15.400 tỉ đồng. Dù không đạt mục tiêu 35% nhưng con số tuyệt đối này cao gấp 9 lần quý 1 và 2,4 lần so với cùng kỳ 2022. Đặc biệt, TP.HCM đã khởi công được dự án Vành đai 3 nhằm tăng kết nối TP.HCM với các tỉnh lân cận.

Riêng với Nghị quyết 98 về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM mới được Quốc hội thông qua, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết đây là cơ sở quan trọng để triển khai thời gian tới, nhất là thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.

Chủ tịch TP.HCM: 169 kiến nghị lĩnh vực bất động sản đã được giải quyết   - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị sớm tháo gỡ các vướng mắc của lĩnh vực bất động sản, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm

NGUYÊN VŨ

Tiếp tục hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế

Nêu một số giải pháp sắp tới, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp theo các chủ trương, chính sách đã được Trung ương tháo gỡ trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, thúc đẩy các động lực tăng trưởng như đầu tư công, đầu tư tư nhân, chương trình khuyến mãi tiêu dùng, du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu.

Về kiến nghị, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ tập trung giải quyết các tồn đọng về thị trường bất động sản, tín dụng, trái phiếu, thủ tục về phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm…

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM, Bộ KH-ĐT tiếp tục cùng TP.HCM hoàn thiện đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. 

Ngoài ra, lãnh đạo TP.HCM cũng mong sớm sửa đổi một số nghị định về hải quan, xuất nhập khẩu, an toàn thực phẩm với hàng hóa nhập khẩu.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá trong quý 2/2023, TP.HCM có nhiều nỗ lực, đạt được kết quả tích cực, điển hình là tăng trưởng quý 1 chỉ 0,7% nhưng quý 2 tăng lên gần 5,9%. Đặc biệt, giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 rất tích cực, tỷ lệ trên 80%. "TP.HCM là đô thị nén, giải quyết được vấn đề này phải rất quyết liệt", ông Khái nhìn nhận.

Nghị quyết 31 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. 

Hiện Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT là cơ quan tham mưu để hình thành Ban chỉ đạo để sớm đưa đề án vào triển khai.

Đề án trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM dựa trên 3 trụ cột chính: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh. Đề án hướng đến việc tạo ra thị trường vốn linh hoạt, uyển chuyển để thu hút các định chế tài chính, nhà đầu tư lớn trên thế giới tham gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.