Chủ tịch nước đề nghị TP.HCM khơi thông bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
21/06/2022 20:12 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM phải đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế, ổn định giá cả, khơi thông bất cập trong đấu thầu , mua sắm thuốc, giải bài toán thiếu thuốc và các vật tư y tế.

Chiều 21.6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi tiếp xúc cử tri là ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, các vị nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc và đại diện giới văn nghệ sĩ.

Tại hội nghị, GS-TS, bác sĩ Trần Đông A, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 đã đề cập các vấn đề mà người dân hiện nay quan tâm như giá dịch vụ y tế, xã hội hoá, chuẩn hoá đội ngũ y bác sĩ tại cơ sở khám chữa bệnh, đấu thầu trong bệnh viện...

Cụ thể, thực tế có tình trạng đấu thầu các thiết bị rẻ, không đảm bảo chất lượng.

GS-TS Trần Đông A nhìn nhận y tế cơ sở hiện nay vừa thiếu, vừa rất yếu. Ông dẫn chứng chiến lược bác sĩ gia đình dẫu đã có từ rất lâu nhưng đến nay vẫn triển khai rất chậm.

Các bác sĩ gia đình có trình độ toàn diện, đa khoa và mô hình sẽ đi sâu vào chăm sóc sức khoẻ cho từng cá thể trong cộng đồng, giải quyết các vấn đề sức khoẻ ban đầu, có tư vấn tâm lý, khám và chẩn đoán cho người bệnh, dự phòng bệnh tật…

“Đây chính là mẫu mà các bác sĩ chống dịch Covid-19 ở cơ sở được yêu cầu thực hiện nhưng đã làm thiếu và không đồng đều”, GS-TS Trần Đông A nói và nhìn nhận hiện nay có tình trạng đa số bác sĩ mới tốt nghiệp đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa.

GS-TS Trần Đông A phát buổi tại hội nghị tiếp xúc cử tri chiều 21.6

long hồ

Thực tế lượng bác sĩ chuyên khoa luôn cao hơn bác sĩ thực hành tổng quát và bác sĩ gia đình trong khi các nước hiện nay đều đã tập trung vào mô hình này.

Ông Trần Đông A nhìn nhận thực tế đang thừa chiến lược nhưng thiếu cơ chế thực hiện; đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ mà việc hoàn thiện pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở pháp lý, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cơ quan quản lý y tế, các trường đại học, cán bộ y tế... để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng, đặc biệt ở ngành y tế vừa qua cũng được các cử tri quan tâm.

Đơn cử, nhiều cử tri cũng quan tâm tác động của vụ việc hàng loạt cán bộ cấp cao bị bắt tạm giam liên quan đến công ty Việt Á đến ngành y tế vì nhiều bệnh viện, cơ sở y tế không dám mua trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm xét nghiệm.

GS-TS Trần Đông A đề nghị cần bắt tay vào làm ngay các chính sách, trong đó có sớm thí điểm mô hình quản lý bệnh viện theo phương thức mới đối với các đơn vị tự chủ tài chính, cụ thể, ngoài ban giám đốc thì cần có thêm hội đồng quản lý, các nhà chuyên môn để hạn chế sai sót.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM tiếp tục củng cố y tế cơ sở

Khơi thông bất cập trong đấu thầu

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, TP.HCM xác định chiến lược y tế là trụ cột, là điều kiện tiên quyết để mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 21.6

phạm thu ngân

Trong đó, TP.HCM sẽ định nghĩa lại chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở; có chính sách cho y tế cơ sở và đầu tư đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở. Đến nay, TP.HCM đã đạt được khoảng 60-70% khối lượng công việc.

“TP.HCM cũng sẽ định vị lại mô hình quản trị bệnh viện, nghiên cứu phát triển các trung tâm chuyên sâu để TP.HCM thành trung tâm chăm sóc sức khỏe, có vị trí trong khu vực. Đồng thời, phát triển mô hình như y học gia đình, chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đô thị lớn...”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM phải đảm bảo cung ứng dịch vụ y tế, ổn định giá cả, khơi thông bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc, giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP.HCM khơi thông bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc; giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế

phạm thu ngân

Theo Chủ tịch nước, phải nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc, bất cập để triển khai đấu thầu, xây dựng hệ thống đấu thầu, các sản phẩm liên quan đến sức khoẻ, không để vướng mắc vì thủ tục mua sắm vật tư y tế ảnh hưởng đến nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân.

Cũng theo Chủ tịch nước, việc cạn kiệt vật tư y tế, không dám mua làm người bệnh rất khó khăn; nhiều bác sĩ, cán bộ y tế không chịu được áp lực phải nghỉ việc.

“Ở tầm quốc gia, Chính phủ sẽ tháo gỡ nhưng TP.HCM cũng cần chỉ đạo cụ thể trước tình trạng bức xúc này”, Chủ tịch nước nói và đề nghị ngành y tế cả nước và TP.HCM cần có tổng kết, đánh giá, đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài, tiếp tục củng cố năng lực y tế cơ sở, điều chỉnh mô hình chăm sóc sức khoẻ nhân dân, củng cố y tế dự phòng, nguồn nhân lực, mô hình bác sĩ gia đình, trạm y tế lưu động…

“Trước mắt phải ngăn chặn sự khủng hoảng trong hệ thống y tế của TP.HCM vì quá nhiều cán bộ bỏ việc, phải có chương trình đào tạo trung hạn kịp thời hơn và quyết tâm với những biện pháp xây dựng y tế bền vững, nhân văn, phục vụ nhân dân”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.