Chủ quán kể chuyện vinh dự đón Chủ tịch nước, Thống đốc Tokyo ăn bánh mì Việt Nam

30/11/2023 15:11 GMT+7

Chủ quán bánh mì Xin chào vinh dự được đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng bà Koike Yuriko, Thống đốc TP.Tokyo tới thăm và thưởng thức bữa sáng tại nhà hàng 'Bánh mì Xin chào'.

Trong chuyến thăm cấp cao đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, ngày 28.11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng các quan khách Nhật Bản đã thưởng thức các món ăn đặc trưng của Việt Nam tại nhà hàng "Bánh mì Xin chào". 

Hai anh em Bùi Thanh Duy (37 tuổi) và anh Bùi Thanh Tâm (32 tuổi, quê ở Quảng Nam) đã thành lập và phát triển nhà hàng thành 15 chi nhánh trên toàn Nhật Bản.

"Vinh dự và tự hào"

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Tâm cho hay bản thân nhận được thông tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, phu nhân, Thống đốc Tokyo và đoàn quan khách Nhật Bản có thể đến dùng bữa tại nhà hàng khoảng một tháng trước. Vinh dự, tự hào và xen lẫn chút hồi hộp là cảm xúc ban đầu của anh sau khi nghe thông tin này.

Chủ quán kể chuyện tiếp đón Chủ tịch nước, Thống đốc Tokyo ăn bánh mì Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân cùng các quan khách Nhật Bản đã thưởng thức các món ăn của Việt Nam

NVCC

Ngày đoàn quan khách ghé thăm, anh được nghe những lời động viên chân thành từ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Vị Chủ tịch nước xưng hô "anh" và "em" mang lại cho chủ quán cảm giác thân thiện, không có khoảng cách giữa một bên là Chủ tịch của một quốc gia và một bên là chủ của một doanh nghiệp nhỏ.

Chủ quán kể chuyện tiếp đón Chủ tịch nước, Thống đốc Tokyo ăn bánh mì Việt Nam - Ảnh 2.

Mì Quảng, bánh mì, cà phê... được chủ quán giới thiệu đến đoàn quan khách

NVCC

Trong không gian đậm chất Việt Nam giữa lòng Tokyo, Chủ tịch nước, phu nhân cùng các quan khách Nhật Bản đã thưởng thức bánh mì heo nướng, mì Quảng gà, cà phê sữa đá…

"Đó là những món bán chạy nhất ở nhà hàng. Tôi nghĩ rằng bánh mì và cà phê là hai món ăn có thể coi là quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Còn mì Quảng là món mang đậm chất Quảng Nam – quê gốc của tôi", anh chia sẻ.

Chủ quán kể chuyện tiếp đón Chủ tịch nước, Thống đốc Tokyo ăn bánh mì Việt Nam - Ảnh 3.

Không gian nhà hàng "Bánh mì Xin chào" mang đậm phong cách Việt Nam

NVCC

Cũng theo vị chủ quán, Chủ tịch nước từng có thời gian giữ chức vụ Bí thư tỉnh Quảng Ngãi nên rất thích và hợp khẩu vị với các món xứ Quảng.

"Hôm đó khi tôi mang mì Quảng ra, Chủ tịch nước nói không cần chủ quán phải giải thích ăn như thế nào và chính vị Chủ tịch là người giới thiệu đến bà Thống đốc và các đoàn quan khách Nhật Bản", anh Tâm cho hay.

Nâng tầm ẩm thực Việt

Anh Tâm nói rằng, ngay từ khi thành lập nhà hàng "Bánh mì Xin chào" anh đã có mong muốn trở thành một nhà hàng không thua bất kỳ một thương hiệu nào trên thế giới. Với sự nỗ lực của bản thân, nhà hàng được mọi người đón nhận và ủng hộ trong suốt thời gian qua. Sự kiện lần này cũng mang lại cho anh động lực rất lớn trong việc mang ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Chủ quán kể chuyện tiếp đón Chủ tịch nước, Thống đốc Tokyo ăn bánh mì Việt Nam - Ảnh 4.

Mì Quảng là một trong những món bán chạy ở nhà hàng của anh Tâm

NVCC

"Không chỉ riêng cá nhân tôi mà tập thể nhân viên của "Bánh mì Xin chào" sẽ có thêm tinh thần, thôi thúc mọi người cố gắng phát triển mỗi ngày", vị chủ quán nói.

Anh Tâm dự định, 3 tháng đầu năm 2024, anh sẽ tiếp tục mở thêm 4 cửa hàng trên khắp Nhật Bản. Việc bắt tay thành lập và mở cửa hàng kinh doanh của anh diễn ra khá tình cờ.

Cách đây 8 năm, khi đang là sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Yokkaichi (Nhật Bản) anh đến tham quan Tokyo và vô tình nhìn thấy thực khách phải xếp hàng để mua được suất bánh mì doner kebab (một loại bánh mì của Thổ Nhĩ Kỳ). Chàng trai bỗng liên tưởng đến bánh mì Việt Nam. Ở Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung chưa có ai bán món bánh mì Việt Nam nên anh xem đó là cơ hội lớn kinh doanh món ăn này.

Chủ quán kể chuyện tiếp đón Chủ tịch nước, Thống đốc Tokyo ăn bánh mì Việt Nam - Ảnh 5.

Anh Tâm mong được lan tỏa ẩm thực Việt Nam đến quốc tế

NVCC

Chàng sinh viên nhận ra, ngoài việc đến mua và thưởng thức món ăn, thực khách còn để ý tới khuôn mặt, trang phục của nhân viên tại cửa hàng để biết món ăn là đặc trưng của quốc gia nào.

"Lời nói đầu tiên mà nhân viên nói với thực khách là từ "xin chào" (theo nghĩa tiếng Việt). Tôi nghĩ rằng, để một người nước ngoài tìm hiểu và biết đến văn hóa Việt Nam có lẽ họ sẽ học chữ "xin chào" đầu tiên. Từ "xin chào" giống nghĩa với từ "hello" ở Anh, "konnichiwa" ở Nhật hay "bonjour" của Pháp. Kế hoạch cũng như cái tên "Bánh mì Xin chào" ra đời trong hôm đó", anh nhớ lại.

Chủ quán kể chuyện tiếp đón Chủ tịch nước, Thống đốc Tokyo ăn bánh mì Việt Nam - Ảnh 6.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn quan khách Nhật Bản ghé thăm nhà hàng Việt ở Tokyo

NVCC

Khi còn ở Việt Nam, anh không hề biết chiên trứng, không hề biết nấu ăn. Khi sang Nhật, anh bắt đầu cuộc sống tự lập và làm thêm tại những quán ăn. Từ đó, anh học thêm những thứ nhỏ nhất như xào, nấu đến việc tư duy ẩm thực. Sau khi nghĩ ra công thức thực hiện món bánh mì anh mời những người xung quanh ăn thử và được họ khen ngon. Đó cũng là động lực thôi thúc anh quyết tâm thực hiện dự định kinh doanh.

Còn với anh Duy, anh là người có kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật Bản. Điều này hỗ trợ anh Tâm rất nhiều trong việc đưa ra những kế hoạch, chiến lược cho chuỗi cửa hàng. Hai anh em phối hợp nhịp nhàng trong việc phát triển kinh doanh bánh mì Việt Nam ở Nhật Bản.

"Trong cuốn sách "Hành trình về phương Đông" có câu: "Khi chúng ta cố gắng, cả thế giới sẽ ủng hộ chúng ta". Tôi luôn suy nghĩ về câu nói đó và luận án tốt nghiệp đại học của tôi về việc xây dựng chuỗi cửa hàng "Bánh mì Xin chào" cũng được bầu chọn xuất sắc nhất khoa năm đó", chủ quán bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.