Chủ động phòng ngừa tai nạn điện

25/02/2023 08:00 GMT+7

Dù đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn nhưng tai nạn điện vẫn thường xảy ra, gây đau thương, mất mát cho gia đình nạn nhân.

Công nhân ngành điện hướng dẫn người nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau các biện phòng tránh tai nạn điện

Công nhân ngành điện hướng dẫn người nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau các biện phòng tránh tai nạn điện

Ảnh: Lê Tám

Theo thống kê của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), trong năm 2022, tại 21 tỉnh thành phía Nam xảy ra 360 vụ sự cố lưới điện, trong đó có 49 vụ gây ra tai nạn điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, làm 12 người tử vong và 45 người bị thương. Trên lưới điện hạ thế xảy ra 31 vụ tai nạn do chạm chập, rò điện trong quá trình đấu nối, vận hành, sử dụng điện của khách hàng, làm 31 người tử vong và 1 người bị thương.

Công nhân điện kiểm tra, phát quang cây xanh khu vực dân cư để phòng ngừa sự cố về điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp tại Bình Phước

Công nhân điện kiểm tra, phát quang cây xanh khu vực dân cư để phòng ngừa sự cố về điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp tại Bình Phước

Ảnh: Lê Tám

Bất cẩn, chủ quan dễ dẫn đến tai nạn điện

Qua thống kê của EVNSPC, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn điện, nhưng phổ biển là sự bất cẩn, chủ quan. Đơn cử, mới đây, tại khu đất trống đối diện cổng vào KCN Biên Hòa 2 (P.Long Bình, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), trong quá trình đốt rác, người dân bất cẩn làm cháy đường dây điện khiến hơn 260 hộ dân mất điện.

Tương tự, tình trạng thả diều, chặt tỉa cây xanh, dựng giàn giáo, câu cá… dẫn đến các vụ chập chạm, phóng điện trên đường dây cũng là lỗi thường gặp trong các vụ tai nạn điện. Việc thả diều gần đường dây điện, dưới lưới điện cao thế ngoài gây ra sự cố mất điện còn đe dọa an toàn tính mạng con người, thiết bị. Hành động can thiệp vào đường dây điện khi diều bị vướng như dùng sào, dùng gậy để lấy diều xuống có nguy cơ bị điện giật và chập cháy rất cao.

Cũng có nhiều tai nạn xuất phát từ thói quen, cũng như vô ý thức của người dân khi tự ý trèo lên cột điện, trạm biến áp; lắp đặt biển hiệu vi phạm khoảng cách an toàn; xây dựng công trình nhà ở vi phạm hành lang lưới điện…

Người dân đốt rác làm cháy dây điện, khiến 260 hộ dân tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai bị mất điện

Người dân đốt rác làm cháy dây điện, khiến 260 hộ dân tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai bị mất điện

Ảnh: Lê Tám

Tăng cường tuyên truyền cho người dân phòng ngừa

Để phòng ngừa tai nạn và bảo đảm an toàn lưới điện, EVNSPC chỉ đạo các đơn vị thành viên hằng năm xây dựng kế hoạch công việc cụ thể về công tác quản lý vận hành lưới điện trung hạ thế và triển khai thực hiện hàng loạt công tác kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện trung, hạ áp… Đồng thời, thường xuyên phối hợp các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện; không thả diều, vật bay, câu cá, thi công dàn dựng gần đường dây và trạm điện. Yêu cầu người dân báo cơ quan chức năng khi có các sự cố liên quan đến đường dây để tránh sự cố lưới điện và tai nạn điện.

Đối với những nơi người dân thường xuyên đến câu cá dưới đường dây điện, hoặc nơi có lưới điện đi gần, giao chéo sông suối, ao hồ, mương rạch, các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, ngành điện đã có bảng cảnh báo nguy hiểm để người dân nhận biết và tăng cường phòng ngừa.

Các thông tin về cảnh báo, hướng dẫn sử dụng điện, cách xử lý khi gặp tai nạn điện cũng được ngành điện cập nhật thông tin tuyên truyền qua các kênh mạng xã hội như Zalo, Facebook để người dân nắm rõ và thực hiện. Khi có thắc mắc hoặc phát hiện vấn đề gây mất an toàn về hành lang an toàn lưới điện cao áp, người dân và các tổ chức vui lòng báo ngay cho Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNSPC: 19009000 hoặc 19001006 để được hướng dẫn, hỗ trợ và xử lý kịp thời.

Người dân lắp đặt biển hiệu vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện hạ thế

Người dân lắp đặt biển hiệu vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện hạ thế

Ảnh: Lê Tám

Hình thức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp:

- Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện (Theo điểm d, khoản 2, Điều 15, Nghị định 17/2022/NÐ-CP ngày 31.1.2022).

- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng về hành vi gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm mất an toàn vận hành công trình điện (Theo điểm m, khoản 3, Điều 15 Nghị định 17/2022/NÐ-CPngày 31.1.2022).

- Phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng khi có hành vi chặt và để cây đổ vào lưới điện (Theo điểm c, khoản 4, Điều 15 Nghị định 17/2022/NÐ-CP ngày 31.1.2022).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.