Chủ cơ sở hành hạ trẻ dã man: 'Tôi đã tan cửa nát nhà'

13/11/2018 13:18 GMT+7

Với chủ cơ sở nhóm trẻ ‘Mẹ Mười’, không phải là mức án tù 2 năm cũng không phải dư luận xã hội mà chính là hiện thực ‘tan cửa nát nhà’.

[VIDEO] Bảo mẫu Mẹ Mười hành hạ trẻ ở Đà Nẵng lãnh án 2 năm tù
Đó cũng là cái kết mà tôi và những người tham dự phiên tòa xét xử lưu động vụ “bảo mẫu Mẹ Mười bạo hành trẻ nhỏ ở Đà Nẵng” khiến dư luận phẫn nộ thời gian qua, cảm thấy đắng chát nhất.
Bị cáo là bà Đinh Thị Hồng (hay còn gọi Mười), chủ cơ sở nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) cũng chính là người xuất hiện trong clip hành hạ trẻ em ở Đà Nẵng hồi tháng 5.2018.
Hành vi bạo hành của bà Hồng rõ ràng không phải là hành động nhất thời mà lặp đi lặp lại rất nhiều lần, đối với những đứa trẻ mới mười mấy tháng tuổi, không có khả năng tự vệ. Hành động đó được bà Hồng mang ra “ứng xử” với nhiều trẻ. Đến khi những hình ảnh bạo hành tình cờ lọt ra bên ngoài và phát tán trên mạng xã hội, khiến dư luận dậy sóng thì hành vi của bà Hồng mới được cơ quan chức năng xử lý.
Đứng trước tòa, người đàn bà với khuôn mặt từng khiến dư luận phẫn nộ trong clip bạo hành đã không còn, thay vào đó là trạng huống bất lực “tan cửa nát nhà”. Thay vì bào chữa tội lỗi của mình, trước hội đồng xét xử và dư luận, bà chỉ nói mình đang “mất tất cả”, khi nhà cửa không còn, con cái ly tán, bỏ học, bỏ trường, mất cả tương lai…
“Phàm là việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả”, hay “hậu quả nhãn tiền”… là điều mà người ta thường nhắc nhở nhau, thường cân nhắc trong từng hành động sống, để không hành động bản năng, để chí ít không phải rơi vào cảnh hối không kịp.
Trong phiên xử lưu động vụ chủ cơ sở Mẹ Mười bạo hành trẻ nhỏ, người thân của những đứa trẻ xuất hiện và kể cả không xuất hiện trong clip đều phẫn nộ và chất vấn, nếu là con mình, là người thân của mình bà có chịu nổi không. Đó là việc mà người xưa vẫn tự răn “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”, là những gì mà bản thân mình không muốn thì đừng làm với người khác. Đó là một kiểu đạo lý gìn giữ sự lương thiện của con người.
Khi tòa tuyên án 2 năm tù dành cho tội danh hành hạ người khác, thuộc Điều 140 bộ luật Hình sự, dường như bà Hồng không có nhiều khái niệm về thời gian giam giữ (kể cả thời gian bị tam giam để điều tra trước đó đến khi tòa tuyên án, bà Hồng đã chấp hành được một phần bản án - PV).
Tôi cũng là người mẹ có con nhỏ. Tôi hiểu sự phẫn nộ thậm chí kích động của những bậc làm cha mẹ khi có con nhỏ bị ngược đãi, bạo hành. Tôi cũng là một người mẹ sống vì con. Tôi hiểu những đắng chát bất lực, nhìn con bỏ học, ly tán mà bà Hồng đối mặt chỉ vì những hành động càn quấy, vô cảm đến thiếu nhân tính của mình.
Không riêng gì tôi, những người tham dự phiên xử lưu động đều ý thức được rằng, việc không kiểm soát được hành động của bản thân không chỉ đẩy mình vào đường cùng, mà chính những người thân của mình cũng liên lụy, tan tác… Nếu bà Hồng có thể tiết chế được hành động của mình, nếu những người thân của bà đừng thờ ơ, vô cảm với công việc hằng ngày của bà, nếu mọi người biết cùng nhau điều chỉnh hành vi thì những giọt nước mắt ở các phiên tòa không đến nỗi đắng chát cùng cực và bất lực đến tận cùng như vậy.
2 năm tù giam có thể khiến cho nhiều người dự khán không thỏa mãn, khiến dư luận bất bình, nhưng đằng sau bản án ấy sẽ là gì? Là hối lỗi, là tìm kiếm cơ hội thiện lương, dù muộn màng.
Bà ngoại của cháu bé có mặt trong clip bị bà Hồng hành hạ đã xin tòa giảm án cho người phụ nữ đã hành hạ cháu mình. Tôi nghĩ đó là thiện lương đến đúng lúc, bằng cách này hay cách khác, hoàn toàn không phải để nói lời đạo đức sáo rỗng, mà là tại tâm. Là cách chừa cho người ta một con đường sống, cho gia đình người ta có cơ hội bớt vô cảm, hướng đến sống tích cực.
Nghĩ đến đó, tôi đưa mắt tìm kiếm người chồng và những đứa con của bà Hồng, mong họ hiện diện ở đó, mong những đứa con đủ mạnh mẽ để tha thứ cho lỗi lầm của mẹ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.