Chốt tiến độ hàng loạt dự án trọng điểm

15/07/2023 07:03 GMT+7

Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công 25 dự án trọng điểm quốc gia với 75 dự án thành phần là nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho ngành GTVT tại phiên thứ 6 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.

CUỐI NĂM, CẢ NƯỚC SẼ CÓ 1.852 KM CAO TỐC

Theo báo cáo của Bộ GTVT, Bộ cùng các địa phương đã khởi công một số dự án cao tốc trọng điểm như Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 thủ đô Hà Nội, nâng tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332 km. 

Đặc biệt, Bộ GTVT đã chỉ đạo khánh thành 4 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 với chiều dài 312 km trong quý 2, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.729 km. Đây được đánh giá là kết quả ấn tượng bởi giai đoạn 2000 - 2021, cả nước mới đầu tư đưa vào khai thác 1.163 km đường bộ cao tốc, trong khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác thêm 566 km đường cao tốc. Tổng chiều dài các dự án đang thi công và đã khởi công từ đầu năm đến nay đạt 1.693 km. Dự kiến đến cuối năm, cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc.

Chốt tiến độ hàng loạt dự án trọng điểm  - Ảnh 1.

Bộ GTVT nhận định tiến độ các dự án cao tốc ở ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào tiến độ bàn giao mặt bằng và nguồn vật liệu cát đắp

ĐÌNH TUYỂN

Với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ GTVT cho biết các đơn vị đã tích cực triển khai công việc để chuẩn bị khởi công trụ sở Cục Quản lý xuất nhập cảnh; đường lăn, đường cất hạ cánh; thân tháp không lưu; 2 tuyến giao thông kết nối.

Đánh giá cao sự chuẩn bị của Bộ GTVT, các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án (ban QLDA), đơn vị tư vấn, nhà thầu trong quá trình triển khai các dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị cần tích cực hơn nữa, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian triển khai các dự án.

Khởi công 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành

Ngày 14.7, ACV chính thức khởi công 2 tuyến đường (T1, T2) kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo thiết kế, tuyến đường T1 dài 4,3 km, nối QL51 đến sân bay Long Thành; tuyến đường T2 dài 3,5 km nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với tuyến T1 và chạy song song với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Nhà thầu thi công là liên danh 6 công ty, trong đó Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Thời gian xây dựng là 885 ngày, tổng giá trị của công trình hơn 2.630 tỉ đồng.

Lê Lâm

Cụ thể, đối với nhóm đang thi công, về 3 dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1 (Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Nghi Sơn - Diễn Châu ) và cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023, Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư đôn đốc các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tổ chức thi công "3 ca 4 kíp" tăng cường trang thiết bị nhân lực để kịp đưa vào khai thác sử dụng đúng tiến độ.

Về các dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột) và các dự án khởi công trong tháng 6 như Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội, cần tiếp tục thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm cơ bản hoàn thành bàn giao mặt bằng trước 31.12. Trong đó, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phải triển khai lựa chọn nhà thầu để khởi công các dự án thành phần thuộc Vành đai 4 Hà Nội trong tháng 9; tỉnh Đồng Nai phải bổ sung nhân sự tập trung đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án Tân Vạn - Nhơn Trạch trong tháng 8 để triển khai thi công trong tháng 9.

Kế hoạch vốn năm 2023 của Bộ GTVT chủ yếu tập trung giao cho 12 chủ đầu tư, ban quản lý dự án do Bộ GTVT quản lý (được giao 86.795 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 91,2%); các chủ đầu tư còn lại gồm 24 Sở GTVT, Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) và 2 trường cao đẳng được giao 8.400 tỉ đồng (8,8%), chủ yếu tập trung để quyết toán dự án và hoàn vốn ứng trước.

Một trong những dự án đang được người dân quan tâm nhiều nhất là sân bay Long Thành hiện cũng đã giải quyết xong khó khăn về công tác đấu thầu chọn đơn vị thi công nhà ga. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) nhanh chóng hoàn thành.

Chốt tiến độ hàng loạt dự án trọng điểm  - Ảnh 4.

Ngành GTVT nhận nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ 25 dự án trọng điểm quốc gia

Phạm Đức

XỐC MẠNH ĐẦU TƯ CÔNG

Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 97.000 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong phân bổ vốn đầu tư công của cả nước và là số vốn được giao lớn nhất từ trước tới nay của bộ (gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021). Hiện đã giải ngân gần 38.000 tỉ đồng, đạt gần 40%. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định giải ngân đầu tư công nếu được thúc đẩy mạnh trong 2 quý cuối năm sẽ tạo dư địa tăng trưởng rất tốt, đồng thời cần tăng cường tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án dở dang.

"Đề nghị Vụ Kế hoạch đầu tư tham mưu có chế tài đối với ban QLDA, chủ đầu tư giải ngân không hoàn thành tiến độ. Vụ Tài chính làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan về thu phí sử dụng dịch vụ đường cao tốc, làm cơ sở để triển khai thu phí theo yêu cầu của Quốc hội. Đây là vấn đề cấp bách, cần tích cực đẩy mạnh", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao nhiệm vụ.

Để đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công 25 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh rà soát lại các vấn đề liên quan đến việc khai thác các mỏ vật liệu; Bộ TN-MT tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18 năm 2022 theo hướng UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác như đã áp dụng cho các mỏ cát đang khai thác khu vực ĐBSCL. Đồng thời, được phép sử dụng các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng (VLXD) (sau khi đã rà soát, bổ sung) phục vụ dự án đường cao tốc để cung cấp phục vụ thi công các khu tái định cư phục vụ GPMB dự án đường cao tốc. Các tỉnh có nguồn VLXD cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 được giao chỉ đạo sở TN-MT thực hiện các bước, trình tự, thủ tục khai thác VLXD bảo đảm tuân thủ hướng dẫn của Bộ, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá, ép giá; có chế tài để xử lý các trường hợp cố tình nâng giá, ép giá, đầu cơ đất khu vực mỏ.

Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị, tại những địa phương chưa thực hiện việc bí thư tỉnh ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo GPMB, chủ tịch UBND tỉnh báo cáo, đề xuất bí thư tỉnh ủy để thực hiện, từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các địa phương chủ động hơn nữa trong công tác GPMB, tái định cư.

Điểm lại những dự án lớn nhỏ liên tục được khởi công, khánh thành trên khắp cả nước từ sau Tết Nguyên đán đến nay, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đánh giá đây là những tín hiệu rất tích cực có được nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ. Theo ông, dù đã góp phần kéo tăng trưởng khởi sắc hơn so với "cuộc khủng hoảng" quý 1 nhưng tính đến hết 6 tháng đầu năm, GDP cả nước mới đạt mức tăng hơn 3,7%. Đây là mức tăng trưởng khá thấp, phần nhiều nguyên nhân là hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa phục hồi. Trong bối cảnh đó, xốc thật mạnh đầu tư công là giải pháp hữu hiệu nhất để đưa kinh tế VN thoát khỏi tình trạng khó khăn. Khi các công trình được triển khai, doanh nghiệp đồng loạt cùng tham gia, ngành vật liệu xây dựng tăng tiêu thụ, người lao động có việc làm, tăng thu nhập, tăng chi tiêu sẽ thúc đẩy tổng cầu, từ đó kích thích các hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc trở lại.

Tuy nhiên, ông Điền cũng lưu ý song song với việc đưa vốn mồi kích cầu, vực cung thì việc mở rộng các chính sách tài chính, giảm lãi suất ngân hàng phải được cấp bách làm đồng bộ. Doanh nghiệp muốn tham gia dự án phải được tiếp cận vốn, phải được "bơm tiền" để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó mới tạo ra việc làm để có tiêu dùng. Ngoài ra, còn nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình đấu thầu, GPMB… cần cơ quan quản lý sâu sát, cấp bách gỡ khó để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dự án, đẩy nhanh quá trình triển khai công trình.

"Trong nhịp kinh tế đang bị gián đoạn hiện nay, đầu tư công là yếu tố dễ kích nhất và cũng có ý nghĩa lớn nhất. Không chỉ là "liều doping" khôi phục kinh tế cấp tốc trong ngắn hạn, những công trình giao thông, hạ tầng được hoàn thiện còn tạo cơ sở, làm tiền đề để phát triển trong tương lai. Bởi vậy, bằng mọi cách, từ Trung ương đến địa phương phải tiếp tục giữ nhịp quyết liệt, triển khai các dự án giao thông càng sớm càng tốt", TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.