Chốt thi tốt nghiệp THPT 4 môn: Phương án tuyển sinh đại học thay đổi ra sao?

Hà Ánh
Hà Ánh
29/11/2023 17:49 GMT+7

Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 4 môn. Phương án thi này sẽ tác động đáng kể đến phương thức tuyển sinh các trường đại học (ĐH), đặc biệt phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp.

Hôm nay (29.11), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn. Thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm ngữ văn, toán. Hai môn còn lại thí sinh tự chọn trong số các môn được học ở lớp 12 gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Theo đại diện các trường ĐH, phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ tác động đáng kể đến cách thức tuyển sinh từ năm 2025.

Chốt thi tốt nghiệp 4 môn: Phương án tuyển sinh đại học thay đổi ra sao? - Ảnh 1.

Tuyển sinh ĐH sẽ có những thay đổi từ năm 2025

ĐÀO NGỌC THẠCH

Phương án giảm áp lực học tập của học sinh

Ủng hộ phương án này, GS-TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: "Phương án thi phù hợp với quan điểm thực hiện Chương trình GDPT 2018". GS Sơn nhấn mạnh: "Có thể nói đây là bước tiến về đánh giá. Với việc giảm số môn thi, phương án đồng thời giảm áp lực học tập của học sinh và giảm nhẹ công tác tổ chức kỳ thi của toàn xã hội".

Hơn thế nữa, ông Sơn cũng cho rằng việc cho phép học sinh tự chọn 2 môn thi là thể hiện tinh thần của Chương trình GDPT 2018 khi cho người học lựa chọn môn gắn với thế mạnh và định hướng nghề nghiệp.

"Có thể khẳng định đây là phương án khả thi và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay", Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nêu ý kiến.

Tiếc vì ngoại ngữ là môn tự chọn

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công thương TP.HCM, bày tỏ sự tiếc nuối khi phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 khi ngoại ngữ là môn tự chọn. Theo thạc sĩ Sơn, ngoại ngữ có vai trò quan trọng không chỉ trong quá trình học tập mà còn quá trình làm việc sau này.

"Việc xếp ngoại ngữ là môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thúc đẩy nhiều quá trình học tập, cải thiện và nâng cao kỹ năng ngoại ngữ của học sinh", thạc sĩ Sơn phân tích.

Tuyển sinh ĐH: Sẽ có nhiều thay đổi về tổ hợp môn xét tuyển

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng với đặc thù của Chương trình GDPT 2018 cho phép học sinh lựa chọn môn học ngay từ khi bước vào lớp 10, thì kỳ thi tốt nghiệp bao nhiêu môn không ảnh hưởng đến quá trình học tập. Phương án thi tốt nghiệp 4 môn cũng không ảnh hưởng đến các phương thức tuyển sinh riêng hiện được sử dụng nhiều ở các trường như: xét kết quả học tập THPT, kỳ thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển chứng chỉ quốc tế…

Tuy nhiên, tiến sĩ Hạ phân tích: "Các trường ĐH sẽ có sự sắp xếp lại tổ hợp môn cho phù hợp hơn khi xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Sự sắp xếp này cũng căn cứ trên thực tế việc lựa chọn môn học của học sinh trong Chương trình GDPT 2018".

Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn

Theo tiến sĩ Hạ, dù có nhiều thay đổi về tổ hợp môn xét tuyển nhưng với phương án thi 4 môn của Bộ GD-ĐT, các tổ hợp truyền thống có nhiều thí sinh đăng ký vẫn được giữ lại như: toán-lý-hóa, toán-hóa-sinh, toán-lý-tiếng Anh, văn-sử-địa, toán-văn-tiếng Anh…

"Sẽ có những sự điều chỉnh trong phương án tuyển sinh để phù hợp hơn với việc học và thi của học sinh", Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM lưu ý.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.