Chồng mất không để lại di chúc, vợ bán nhà bằng cách nào?

Ngân Nga
Ngân Nga
27/11/2023 04:06 GMT+7

Chồng mất không để lại di chúc, người vợ muốn bán tài sản chung thì phải kê khai nhận di sản thừa kế và được sự đồng ý của các đồng thừa kế như con đẻ, con nuôi, cha mẹ chồng…

Bố tôi mất cách đây 2 năm, không để lại di chúc, ông bà nội tôi đã mất cách đây 5 năm. Mẹ và 2 chị em tôi có ý định bán 1 căn nhà do bố mẹ đứng tên chung. Do phải đi làm xa, vậy 2 chị em tôi có thể viết giấy ủy quyền cho mẹ bán nhà rồi gửi bưu điện cho mẹ được không, thủ tục ra sao?

Ngoài ra, nhà tôi còn có 1 thửa đất do bố mẹ tôi đứng tên, đang bị hàng xóm lấn chiếm nên 2 bên có xảy ra tranh chấp. Vậy mẹ tôi có thể nhờ luật sư hỗ trợ tranh chấp này bằng cách ủy quyền cho luật sư làm giúp từ khiếu nại, đến khởi kiện ra tòa được không? Quy trình thủ tục về việc chứng thực ủy quyền này như thế nào?

Bạn đọc Phi Anh.

Luật sư tư vấn

Luật sư Chu Văn Hưng (Văn phòng luật sư Tâm Trí, TP.HCM) tư vấn, căn nhà và thửa đất là tài sản chung của cha mẹ bạn. Khi bố bạn mất thì tài sản chung sẽ được chia đôi, nửa còn lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc. Do bố bạn mất không để lại di chúc, nên phần tài sản của bố bạn trong khối tài sản chung được chia thừa kế theo pháp luật.

Chồng mất không để lại di chúc, vợ bán nhà bằng cách nào? - Ảnh 1.

Luật sư Chu Văn Hưng (Văn phòng luật sư Tâm Trí, TP.HCM) tư vấn

NVCC

Cụ thể, theo điều 651 bộ luật Dân sự, những người thừa kế theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Ông bà nội mất trước bố bạn, nếu bố bạn không có con nuôi thì những người hưởng di sản có mẹ và 2 chị em bạn. Như vậy, mẹ bạn không có quyền định đoạt tài sản chung hợp nhất của 2 vợ chồng, mà còn phụ thuộc vào tất cả các đồng thừa kế trong đó có hai chị em bạn.

Theo quy định của luật Đất đai và luật Nhà ở, khi lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, 2 bên (bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng) phải lập hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, hiện nay trên giấy chứng nhận đang đứng tên cả bố mẹ, vì vậy một mình mẹ bạn không thể ký kết hợp đồng giao dịch được, còn chị em bạn thì chưa có quyền với nhà đất này.

Do đó, mẹ và 2 chị em bạn cần phải liên hệ UBND xã hoặc tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Sau đó, mẹ của bạn nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai tại nơi có nhà đất để được cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) đứng tên mẹ con bạn. Lúc đó mới tiến hành chuyển nhượng cho người khác được.

Hai chị em bạn ở xa, muốn ủy quyền cho mẹ bạn khai nhận di sản thừa kế và bán nhà đất, thì bạn đến tổ chức hành nghề công chứng (nơi thuận tiện cho bạn) ký hợp đồng ủy quyền cho mẹ bạn, sau đó gửi về…

Để tránh ủy quyền nhiều lần, bạn yêu cầu công chứng viên lập nội dung ủy quyền gồm các quyền khai nhận di sản thừa kế; kê khai nộp các khoản thuế, phí, lệ phí; nộp hồ sơ đăng bộ, nhận kết quả giấy tờ; quyền tặng cho, mua bán chuyển nhượng…

Về thửa đất, tại khoản 2 điều 202 luật Đất đai quy định tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được, thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Vì thế, mẹ bạn cần làm đơn yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tổ chức hòa giải giữa 2 bên. Hoặc mẹ bạn cũng có thể ủy quyền cho luật sư để đại diện tham gia hòa giải tại xã. Nếu không hòa giải thành, mẹ bạn khởi kiện tại tòa án nơi có đất tranh chấp.

Như vậy, mẹ bạn chỉ có thể nhờ luật sư làm hộ đơn và tự mình ký vào đơn khởi kiện chứ không thể ủy quyền ký đơn khởi kiện. Tuy nhiên, mẹ bạn được ủy quyền cho luật sư nộp đơn khởi kiện và tham gia với tư cách đương sự trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Việc ủy quyền cho luật sư được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc tại UBND xã, phường, thị trấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.