Chống dịch, điều trị F0: Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề xuất thanh quyết toán hơn 13 tỉ đồng

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
10/03/2022 18:23 GMT+7

Không thể thành lập Trung tâm cách ly F0 tại các trung tâm bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận thanh quyết toán số tiền hơn 13 tỉ đồng cho phòng, chống dịch và điều trị Covid-19 tại các nơi này.

Ngày 10.3, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có văn bản gửi thường trực UBND TP.HCM, đề nghị thanh quyết toán kinh phí hơn 13 tỉ đồng cho phòng, chống dịch và điều trị Covid-19 cho đối tượng bảo trợ xã hội tại các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM báo cáo, thời điểm tháng 8.2021, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở này đã tăng cường tập trung thu dung người lang thang, xin ăn, sinh sống nơi công cộng, người nghiện ma túy từ cộng đồng vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội và Cơ sở xã hội Thanh Thiếu niên 2 (đơn vị trực thuộc Sở).

Sau khi tiếp nhận, hai đơn vị trên sẽ phân loại diện đối tượng để sau đó chuyển về các trung tâm bảo trợ xã hội tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định.

Tuy nhiên, sau đó có tình trạng các đối tượng nhiễm, lây lan Covid-19 tại một số trung tâm nên Sở này đã báo cáo và tham mưu cho Tổ điều phối nguồn nhân lực TP.HCM ban hành quyết định phân công các y, bác sĩ Bệnh viện Nhân Ái tham gia điều trị Covid-19 tại các đơn vị.

Người vô gia cư được thu dung, xét nghiệm sàng lọc, khám sức khỏe, khai báo thông tin tại địa phương trước khi được chuyển đến Trung tâm hỗ trợ xã hội (ảnh chụp ngày 25.8.2021)

khánh trần

Tính đến ngày 25.11.2021, có 5 trung tâm bảo trợ xã hội (gồm Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp; Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa; Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần Tân Định; Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức; Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh) điều trị cho 1.826 F0.

Dựa trên cơ sở ý kiến của Sở Y tế TP.HCM, ngày 13.12.2021, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã trình UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho các trung tâm này đã điều trị cho các đối tượng bảo trợ xã hội nhiễm Covid-19 như Trung tâm cách ly tập trung F0.

Đồng thời, đề xuất cho phép các đơn vị này được mua trang thiết bị, vật tư, thuốc, test xét nghiệm, sinh phẩm... để tầm soát, sàng lọc, cách ly và điều trị F0; chi tiền ăn cho các F0, F1 theo quy định tại Nghị quyết 09/2021 của HĐND TP.HCM; chấp thuận cho Trung tâm Hỗ trợ xã hội và Cơ sở xã hội thanh thiếu niên 2 được mua test xét nghiệm, đồ bảo hộ, sinh phẩm... để tầm soát khi tiếp nhận ban đầu.

Việc lập Trung tâm cách ly F0 không còn phù hợp

Ngày 10.1.2022, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có các tờ trình về việc thành lập 6 Trung tâm cách ly F0 tại 6 đơn vị bảo trợ xã hội, gửi Sở Y tế TP.HCM thẩm định trình UBND TP.HCM về ban hành quyết định thành lập.

Đến ngày 28.2.2022, Sở Y tế TP.HCM có công văn về việc này, trong đó, có nêu ý kiến: "Tính đến ngày 31.12.2021, các trung tâm bảo trợ xã hội đã không còn điều trị đối tượng nhiễm Covid-19, vì vậy, việc Sở LĐ-TB-XH đề nghị Sở Y tế sớm trình UBND TP.HCM thành lập 6 trung tâm cách ly tập trung F0 tại các trung tâm bảo trợ xã hội trong năm 2021 không còn phù hợp với thực tế hiện nay".

Sở Y tế TP.HCM đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM chỉ đạo các trung tâm chủ động phối hợp với Bệnh viện Nhân Ái để rà soát, báo cáo kết quả phòng, chống dịch; công tác quản lý, cách ly, chăm sóc, điều trị F0 tại các trung tâm để trình UBND TP.HCM quyết định.

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, các trung tâm gặp nhiều khó khăn do không thanh quyết toán được kinh phí để mua trang thiết bị, vật tư, thuốc, test xét nghiệm, sinh phẩm... điều trị Covid-19 cho đối tượng bảo trợ xã hội và phòng, chống dịch trong nguồn kinh phí không thường xuyên năm 2021, do không thành lập được Trung tâm cách ly F0.

Vì vậy, các đơn vị này phải chủ động cân đối thanh toán các khoản chi phí nêu trên trong nguồn kinh phí thường xuyên (kinh phí tự chủ). Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, điều này ảnh hưởng đến kết quả phân phối kinh phí tiết kiệm cuối năm, khiến các đơn vị không còn kinh phí tiết kiệm trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi và quỹ bổ sung thu nhập để chi thu nhập cuối năm cho công chức, viên chức và người lao động.

Qua rà soát, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổng hợp kinh phí thực tế chi điều trị cho các đối tượng nhiễm Covid-19 tại các trung tâm; kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 khi tiếp nhận đối tượng là hơn 13 tỉ đồng.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho các đơn vị bảo trợ xã hội được thanh quyết toán số tiền này. Nguồn kinh phí cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (kinh phí nhiệm vụ chi không thường xuyên) đã giao cho các đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.