Chồng đánh vợ sẽ phải ‘lên phường’, cấm tiếp xúc phạm vi 50 m

Lê Hiệp
Lê Hiệp
27/05/2022 17:47 GMT+7

Chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình có thể bị yêu cầu lên trụ sở công an xã làm việc, bị cấm tiếp xúc trong 3 ngày mà nạn nhân không cần phải viết đơn.

Chiều 27.5, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XV, trình bày tờ trình về dự án luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo bổ sung quy định mới về “buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình” và quy định “yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình” (các điều 31, 32 dự thảo).

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trình bày dự án luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi

gia hân

Theo Bộ trưởng Hùng, việc bổ sung quy định mới này nhằm khắc phục bất cập thời gian qua là người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành chấm dứt hành vi bạo lực khi có yêu cầu, mặt khác, việc yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã còn là biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn, vừa bảo đảm tính răn đe, giáo dục người có người có hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.

Cụ thể, dự thảo luật quy định khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc bạo lực gia đình.

Trường hợp không đến thì công an cấp xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu về trụ sở. Thời gian yêu cầu đến trụ sở công an xã không quá 6 giờ cho mỗi lần yêu cầu.

Sẽ bị cấm tiếp xúc khi có yêu cầu

Một điểm mới khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, dự thảo luật bỏ quy định người bị bạo lực gia đình phải viết đơn đề nghị áp dụng cấm tiếp xúc để thay bằng quy định “yêu cầu” để vừa bảo đảm tôn trọng quyền của người bị bạo lực gia đình vừa giảm thủ tục hành chính “viết đơn” gây khó khăn cho người bị bạo lực gia đình.

Theo dự thảo luật mà Chính phủ trình, người có hành vi bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian thực hiện cấm tiếp xúc.

Cụ thể, dự thảo luật quy định, chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc mỗi lần không quá 3 ngày khi người bị bạo lực gia đình có yêu cầu và hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực.

Dự thảo cũng quy định, người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50 m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu.

Trong trường hợp tòa án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự liên quan đến người bị bạo lực gia đình thì có thể quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, kể từ sau khi luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ 2008, công tác này có nhiều kết quả, song bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường.

Theo số liệu thống kê của Bộ VH-TT-DL tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh, thành, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ.

Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.