Chống béo phì ở học sinh: Lời khuyên từ những người thầy đặc biệt

Thúy Hằng
Thúy Hằng
05/01/2023 16:04 GMT+7

Khá nhiều gia đình ở TP.HCM cho con chơi thể thao từ sớm để rèn luyện sức khỏe , nhưng cũng không ít nhà khi con đã thừa cân-béo phì mới đi tìm thầy giúp con giảm cân.

Tỷ lệ học sinh tiểu học thừa cân-béo phì đang gia tăng ở TP.HCM

thúy hằng

Khi trẻ đã ăn nhiều, thèm ăn thì “phanh” không được

Anh Bùi Bảo Trung, giảng viên môn giáo dục thể chất Trường ĐH Hoa Sen-CEO trung tâm huấn luyện chạy bộ T-Coaching, cho hay một lý do không thể chối cãi được dẫn đến nhiều trẻ em ở TP.HCM (đặc biệt độ tuổi tiểu học) bị thừa cân-béo phì hiện nay là thói quen ăn uống và sinh hoạt bất hợp lý. Các em ăn chế độ dinh dưỡng không cân bằng, nhiều dầu mỡ, nhiều đường bột, ít chất xơ.

Không ít gia đình để cho trẻ ăn tự do các món như gà rán, khoai tây chiên, pizza, uống nước ngọt có gas và trà sữa thoải mái, dẫn đến khi trẻ đã ăn nhiều lại càng thèm ăn. Nếu người trưởng thành có thể tự ý thức được việc nếu nạp nhiều năng lượng vào cơ thể bữa này thì bữa khác sẽ giảm ăn hoặc cần tập thể thao để tiêu hao năng lượng nhưng nhiều em nhỏ chưa ý thức được việc đó.

Anh Bùi Bảo Trung cho biết bên cạnh nhiều phụ huynh có ý thức về tập luyện thể dục thể thao và cùng khuyến khích con yêu thể dục thể thao từ nhỏ thì cũng khá nhiều bậc cha mẹ coi nhẹ giáo dục thể chất. “Có một thực tế là nhiều người đợi đến khi con thừa cân-béo phì rồi thì mới cho con đi tập thể thao, mong con giảm được cân, tức là không phải 'phòng ngừa' nữa mà là 'chữa' béo, 'trị' béo”, anh Trung chia sẻ.

Chế độ ăn uống không lành mạnh, cộng với lối sống không vận động dẫn tới học sinh thừa cân-béo phì ngày càng nhiều

THÚY HẰNG

Tập thể thao cũng phải đúng cách

Thạc sĩ Trịnh Đình Dương, giảng viên Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, Giám đốc Trung tâm bóng đá Nam Việt, cho biết có nhiều phụ huynh đưa con thừa cân-béo phì tới tập. Cha mẹ nào cũng hy vọng con có thể yêu thể thao, làm quen với lối sống vận động nhiều và giảm được cân nặng.

“Huấn luyện viên thể thao là những người thầy gắn bó với các em nhiều thời gian hơn cả. Không phải chỉ là người giảng dạy lý thuyết, họ phải là người hướng dẫn chế độ ăn của các em, nghỉ của các em sao cho hợp lý, tập luyện cùng các em, động viên các em. Họ đi thi đấu cùng các em và đưa ra những lời khuyên, đúc kết những kinh nghiệm sau cả những thành công, chưa thành công của các em”, thạc sĩ Trịnh Đình Dương nói.

Theo thạc sĩ Trịnh Đình Dương, liên quan đến sự phát triển của một đứa trẻ thì 32% phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, 20% là tập luyện thể dục thể thao, 25% là môi trường sống, tâm lý của đứa trẻ và 23% là di truyền. Do đó, “2 bánh xe” quan trọng hàng đầu trong việc rèn luyện thể chất tinh thần cho trẻ em đó là chế độ dinh dưỡng phù hợp, khoa học và tập luyện thể dục thể thao đúng phương pháp.

Trẻ em học đá bóng tại trung tâm bóng đá Nam Việt

nvcc

Với những học sinh thừa cân-béo phì, điều quan trọng là tháo bỏ được rào cản tâm lý trong các em để các em tự tin tập luyện, tự tin thể hiện bản thân. Do đó, người huấn luyện viên càng cần phải kiên nhẫn, chịu khó, đồng hành cùng quá trình tập luyện của các em.

Giảng viên Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM cũng nhấn mạnh tập luyện thể dục thể thao muốn mang lại hiệu quả phải khoa học. “Nhiều người nói sao tôi cũng cho con đi tập thể thao các môn, mà sao cháu vẫn mập, vẫn yếu? Bởi không phải cứ xỏ giày và ra ngoài sân cỏ chạy vài vòng rồi ngồi nghỉ mấy chục phút, hay đi bộ thong thả vài bước, rồi lại ngồi ăn, uống nước. Cần phải tập đúng kỹ thuật và đảm bảo cường độ, thời gian tập luyện, số lần lặp lại, quãng nghỉ, khối lượng tập”, thạc sĩ Trịnh Đình Dương trao đổi.

Tập cho trẻ ý thức về sức khỏe

Anh Bùi Bảo Trung cho hay tại trung tâm huấn luyện chạy bộ T-Coaching có nhiều học viên đang là học sinh, sinh viên. Một nửa trong số này được gia đình đăng ký đến với mong muốn tập tăng cường sức khỏe, một nửa còn lại là khi bị thừa cân-béo phì, đến mong được rèn luyện để có thể trở về mức cân nặng cho phép.

“Khó khăn nhất khi huấn luyện cho những học viên béo phì đó là cho các bạn một ý thức tập luyện và giữ cân”, anh Trung cho hay.

Anh Bùi Bảo Trung (bìa trái)

Theo anh Trung, mỗi học viên dù thể hình cân đối hay đang thừa cân-béo phì cũng sẽ được huấn luyện với một giáo án khác nhau theo từng tháng hoặc 3, 6 tháng và 1 năm, dựa trên kiểm tra tổng quát về sức khỏe, nhịp tim, sức bền…

Sự bền bỉ, tuân thủ hướng dẫn, có ý chí tập luyện nào cũng có những thành quả xứng đáng. Anh Trung cho hay, có những người tập bền bỉ trong hơn 4 tháng giảm xuống hơn 10 kg.

Theo anh Trung, các tiết học giáo dục thể chất trong các trường học, với mấy chục phút mỗi tuần không thể “gánh” hết phần rèn luyện thể chất cho học sinh mà chỉ giáo dục về ý thức tập luyện. Nhà trường có thể kết nối với các trung tâm, đơn vị hoạt động về thể dục thể thao ở địa phương để mang đến cho học sinh nhiều hoạt động tập luyện đa dạng hơn.

Đồng thời, anh Trung cho rằng với học sinh nói chung và các em đang gặp vấn đề thừa cân-béo phì, điều quan trọng nhất không phải là một thái độ ép buộc các em giảm cân mà cần một hướng đi bền vững hơn.

“Để phòng-chống béo phì, phụ huynh hãy cho các em một ý thức về sức khỏe, hiểu được tầm quan trọng của rèn luyện thể chất, cho con một tinh thần tự giác rèn luyện sức khỏe. Đồng thời, trong mỗi gia đình, cha mẹ nên là tấm gương cho lối sống lành mạnh và ý thức tập luyện thể dục thể thao. Đó mới là bước đi bền vững nhất để đảm bảo sức khỏe thể lực của trẻ em”, anh Trung nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.