Chọn thành viên hội đồng ngành GS, PGS: Cần ưu tiên tiêu chí khoa học

Quý Hiên
Quý Hiên
11/10/2018 08:03 GMT+7

Theo các nhà khoa học, để có được những thành viên hội đồng ngành làm việc công tâm, vì khoa học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần tạo cơ chế lựa chọn khách quan, đặt yêu cầu uy tín khoa học lên hàng đầu, tránh việc quyết định dựa trên tham mưu của một nhóm nhỏ và có nhiều lợi ích liên quan.

Sẽ giảm tiêu cực khi đánh giá
Là người được đánh giá để lựa chọn ứng viên PGS, GS mà yêu cầu ứng viên phải có công bố quốc tế, thì mình cũng cần phải có công bố quốc tế
TS Nguyễn Việt Cường, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân
Theo TS Nguyễn Việt Cường, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, quy định mới về tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đã tăng yêu cầu trong các tiêu chí theo hướng khuyến khích các ứng viên có nhiều công bố quốc tế hơn, vì thế những thành viên trong các hội đồng, đặc biệt là hội đồng ngành, cũng phải phù hợp với xu hướng đánh giá ấy. “Là người được đánh giá để lựa chọn ứng viên PGS, GS mà yêu cầu ứng viên phải có công bố quốc tế, thì mình cũng cần phải có công bố quốc tế. Đòi hỏi này không chỉ để phù hợp về tư cách người được đánh giá mà còn để am hiểu về các tiêu chí liên quan tới công bố quốc tế, về cách thức đánh giá chất lượng công trình của ứng viên GS, PGS”, TS Cường chia sẻ.
Ông Cường cũng cho rằng cần ưu tiên xem xét những người có nhiều bài báo quốc tế hơn, đặc biệt là những người có các nghiên cứu mới trong thời gian đây. Tránh việc lựa chọn vào hội đồng những người tuy cũng từng nghiên cứu nhưng việc đó đã thực hiện từ quá lâu rồi, chưa cập nhật kịp tình hình nghiên cứu mới, dẫn đến việc đánh giá ứng viên PGS, GS thiếu công bằng.
PGS Trần Minh Tiến, Viện Vật lý, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN, cũng đồng tình với quan điểm cần phải chọn được các thành viên hội đồng ngành/liên ngành là những người có thành tích nghiên cứu khoa học tốt. “Nếu các thành viên hội đồng đều là những người làm nghiên cứu khoa học tốt thì khó xảy ra những cái gì đó quá tiêu cực trong quyết định của hội đồng”, PGS Tiến nhận xét.
Nên bầu trực tuyến

Theo PGS Nguyễn Xuân Hùng (ngành cơ học), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, để chọn được những ứng viên hội đồng tốt nhất thì nên chọn giải pháp nào thể hiện tính dân chủ cao nhất, chẳng hạn như để các nhà khoa học được tham gia lựa chọn các thành viên hội đồng ngành. Cụ thể là cho phép các nhà khoa học bỏ phiếu bằng phương thức trực tuyến. “Trước hết chúng ta xây dựng một hệ thống bỏ phiếu trực tuyến, trên đó đưa ra một danh sách gồm các ứng viên thỏa mãn các tiêu chí mà Thủ tướng đã quy định đối với các thành viên hội đồng ngành/liên ngành. Kèm theo từng cái tên trong danh sách là lý lịch khoa học bản mới nhất của các ứng viên. Bộ GD-ĐT nên tham khảo cách làm này của Quỹ Nafosted bên Bộ Khoa học - Công nghệ”, PGS Hùng đề xuất.
Theo PGS Hùng, từ trước đến giờ các hội đồng của Quỹ Nafosted làm việc rất hiệu quả theo cách thức tất cả ứng viên được chọn vào hội đồng khoa học các lĩnh vực đều thông qua bầu trực tuyến. Từ kết quả bầu trực tuyến sẽ hình thành một danh sách theo thứ tự từ trên xuống (xếp theo lượt phiếu bầu). Dựa trên danh sách đó, giám đốc quỹ sẽ chọn ra số lượng thành viên hội đồng cần thiết, lấy từ cao xuống.
PGS Nguyễn Xuân Hùng cho rằng, việc thông qua hệ thống trực tuyến chắc chắn sẽ giúp Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng như Hội đồng GS nhà nước sàng lọc, loại bỏ được rất nhiều hồ sơ. “Như vậy vừa tiết kiệm được thời gian cho Hội đồng GS nhà nước, vừa không bị công luận ý kiến tới lui về sau do đã đảm bảo tính dân chủ trong quy trình bầu chọn”, PGS Nguyễn Xuân Hùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.