Chọn ngành nào để không bị ChatGPT 'cướp' mất công việc?

06/06/2023 17:29 GMT+7

Trong chương trình buổi trực tuyến tiếp sức mùa thi 2023 với chủ đề "Chọn nghề phù hợp với bản thân" diễn ra sáng ngày 6.6 có một số câu hỏi của học sinh gửi về liên quan đến vấn đề ChatGPT.

Buổi trực tuyến nằm trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" do T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tại chương trình một học sinh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thắc mắc: "Với sự ra đời của ChatGPT, nó có khả năng viết mã và lập trình nhanh hơn con người, liệu trong tương lai nhân sự ngành công nghệ thông tin có bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo không?"

2993380763734914614503049051435167335447395n-5275.jpg

Không ít người trẻ lo lắng trong chuyện chọn ngành nghề khi ChatGPT xuất hiện

TẤN ĐẠT

Sẽ rất lâu ChatGPT mới thay thế được?

Là "idol" giới trẻ tham gia buổi trực tuyến, Lê Yên Thanh, một trong 6 đại diện của Việt Nam được vinh danh trong Forbes 30 under 30 châu Á năm 2022, chia sẻ nếu nói riêng ngành công nghệ thông tin, xét ở góc độ chuyên môn thì Yên Thanh đánh giá sẽ rất lâu ChatGPT mới thay thế được.

"Tuy nhiên, ChatGPT hay bất kỳ công nghệ nào ra đời cũng sẽ có thể ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề. Trước đây, chúng ta đã chứng kiến các cuộc cách mạng công nghiệp làm không ít lao động bị mất việc… Thế nên, công nghệ mới ra đời cũng ảnh hưởng đến một số bộ phận nhất định", Yên Thanh nhìn nhận.

Vậy chọn ngành học nào để không bị ảnh hưởng bởi ChatGPT? Về vấn đề này, Yên Thanh chia sẻ: "Hãy nhìn vào giá trị mà mình mang lại là gì. Và thay vì suy nghĩ làm sao để ChatGPT không lấy mất công việc của mình, thì nên suy nghĩ là làm sao để sống chung với nó. Chẳng hạn như bạn làm content thì có thể dùng ChatGPT để viết nhanh hơn. Và trước đây một ngày mình viết được một bài và cũng trong thời gian đó ChatGPT có thể giúp mình viết 10 bài một ngày".

51566536d96c0832517d.jpg

Yên Thanh cho rằng hãy tận dụng và kiểm soát ChatGPT thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị mất việc cả, chỉ là các bạn sẽ tăng thêm năng suất

TẤN ĐẠT

Ông chủ của công ty công nghệ cho biết thêm ChatGPT có thể làm ra những content rất hay tuy nhiên sẽ thiếu "phần con người" trong đó, nên chúng ta phải bổ sung "phần con người" vào công nghệ. 

"Tóm lại, khi các bạn biết cách sử dụng và kiểm soát ChatGPT thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị mất việc cả, chỉ là các bạn sẽ tăng thêm năng suất", Thanh khẳng định.

Sự nhiệt huyết, đam mê cống hiến cho công ty quan trọng hơn là điểm số

Cũng tại chương trình, một học sinh ở TP.HCM có hỏi về việc không lựa chọn trường "top" để học thì có ảnh hưởng gì đến quá trình đi xin việc. Dưới góc độ là chủ của một doanh nghiệp, Yên Thanh chia sẻ: "Tại công ty mình, khi tuyển dụng thì đầu tiên vẫn xem thông tin về trường học của ứng viên nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng. Điều quan trọng là mình cần thấy được nhiệt huyết, đam mê cống hiến cho công ty hơn là điểm số của bạn đó khi tốt nghiệp. Mình thường hay hỏi các ứng viên, khi vào công ty của mình thì bạn có sẵn sàng học hỏi, làm những thứ mới mà bạn chưa từng học hay không? Bạn sẽ sẵn sàng tự học hỏi thêm để đáp ứng yêu cầu của công ty?... thì những cái đó mới là điều quan trọng".

559efbf747ad96f3cfbc.jpg

Người trẻ phải nhiệt huyết, năng động hơn là "khoe" tên trường mình học khi đi xin việc

TẤN ĐẠT

Chính vì thế, Yên Thanh khuyên thí sinh nếu không đủ điểm vào các trường "top" thì hãy tự tin lựa chọn các trường khác để theo học, vì đây không phải là một điều gì đó quá thiệt thòi. Biết đâu, khi ở những trường được cho là không phải trường "top", bạn trở nên đặc biệt thì sẽ được quan tâm nhiều hơn.

"Trước đây, mình có cơ hội đi du học nhưng mình quyết định ở Việt Nam. Bản thân thấy được một điều là học trường nào không quan trọng, cốt lõi là mình cố gắng như thế nào. Và đến khi tốt nghiệp, mình vẫn được đi thực tập, làm việc ở Google như các bạn đi du học ở Mỹ, Singapore… Không những thế, mình có lợi thế là khi ở VN, mình có cơ hội để thể hiện bản thân nhiều hơn. Nên thật ra trường học cũng chỉ là một yếu tố ban đầu, chỉ cần bạn cố gắng thì học trường nào cũng đều sẽ có cơ hội để thành công", Thanh nói thêm.

Gửi lời khuyên đến thí sinh 2k5 đang chới với trên hành trình chọn nghề nghiệp, Lê Yên Thanh cho rằng hãy suy nghĩ trong khoảng thời gian ngắn 5 năm tới bạn muốn mình là người như thế nào và 10 năm tới bạn muốn mình làm được những gì? Khi có mục tiêu rồi thì hãy theo đuổi nó. Còn khi bạn chưa biết được 5 năm nữa mình muốn trở thành hình mẫu thế nào, thì hãy đi ra đường. "Bước ra ngoài đường để tìm hiểu hoặc là lên mạng để tìm hiểu về ngành nghề, về cái mình thực sự đam mê", Thanh nói.

2564fd17414d9013c95c.jpg

Thanh khuyên người trẻ "khi đã chọn được đam mê thì hãy giữ lửa để quyết tâm theo đuổi đến cùng"

TẤN ĐẠT

"Hãy dành nhiều thời gian hơn, một ngày không đủ thì một tuần, một tháng để tìm ra được đam mê của mình. Đó mới là điều quan trọng nhất. Không có ngành nào các bạn học chơi chơi mà thành công được, hay cũng không có ngành nào bạn cố gắng mà sẽ thất bại. Nên khi đã chọn được đam mê thì hãy giữ lửa để quyết tâm theo đuổi đến cùng", Thanh nói thêm.

Chọn ngành nào để không bị ChatGPT 'cướp' mất công việc? - Ảnh 5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.