Chọn ngành đi ngược số đông: Những bất ngờ từ ngành lưu trữ học

03/08/2022 08:03 GMT+7

'Nghề thu nhập thấp', 'công việc nhàm chán' là hình dung của đa số mọi người khi nhắc đến ngành lưu trữ học . Thực tế không hoàn toàn như vậy.

Bất chấp định kiến, những sinh viên chọn lưu trữ học vì họ nhận thấy dịch vụ văn thư, lưu trữ đóng vai trò quan trọng do nhu cầu xã hội tăng cao.

Trang bị nhiều kỹ năng và nghiệp vụ văn phòng

Nguyễn Gia Ngọc, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Không ít người cho rằng học ngành lưu trữ học, tốt nghiệp ra trường sẽ có thu nhập thấp, nếu làm đúng chuyên ngành thì thường sẽ làm trong lĩnh vực nhà nước, lương cơ bản nhân hệ số lương cử nhân thì khoảng 3 triệu đồng/tháng”.

Một trong những công việc của nhân viên ngành lưu trữ học

D.K

Tuy nhiên, Gia Ngọc nhận thấy lưu trữ là ngành nhận được nhiều sự quan tâm của nhà nước. “Người theo học ngành này hoàn toàn có quyền tự hào nếu tương lai trở thành một trong số những người góp phần lưu giữ, truyền bá những di sản của dân tộc. Cụ thể, ngành lưu trữ được Thủ tướng ra Quyết định chọn ngày 3.1 hằng năm là ngày truyền thống của ngành. Điều đó cho thấy những người làm ngành lưu trữ đáng được ghi công và tri ân”, Ngọc nói.

Nữ sinh viên cho biết thêm cô chọn ngành lưu trữ theo sở thích, năng lực của mình, đồng thời nhận thấy khi tốt nghiệp ra trường có thể làm ở nhiều vị trí, đúng theo chuyên ngành như: chuyên viên văn thư, lưu trữ, nhân viên văn phòng cho doanh nghiệp. Theo Ngọc, ngành học giúp cô trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn về quản trị văn phòng, nhân sự, thư ký văn phòng, văn hóa công sở, lễ tân văn phòng, kế toán, tin học, soạn thảo văn bản, quản lý văn bản, lập hồ sơ và lưu trữ, tra tìm hồ sơ và tài liệu…

Đồng quan điểm trên, chị Nguyễn Ngọc Phương Trinh (nhân viên văn thư - lưu trữ cho một văn phòng công chứng tại TP.HCM trong 4 năm kể từ khi ra trường) cho hay ngành lưu trữ mở ra nhiều cơ hội việc làm vì “bất kỳ cơ quan, doanh nghiệp nào cũng cần ít nhất một vị trí văn thư mới có thể hoạt động tốt được”.

Chị Trinh nhận thấy ngày nay người làm văn thư - lưu trữ có vị thế quan trọng trong xã hội, nhiều đơn vị tuyển các vị trí văn thư có bằng đại học (trước đây chỉ cần bằng trung cấp, cao đẳng, tại chức…) nên thu nhập cải thiện hơn.

“Theo tôi được biết thì mức lương là khoảng 10 - 20 triệu đồng/tháng cho hệ đại học. Các bạn làm cho doanh nghiệp nước ngoài cao hơn, khoảng 15 - 25 triệu đồng/tháng”, chị Trinh thông tin.

Tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và làm đúng chuyên ngành, chị Trinh cho rằng vị trí của mình là “độc nhất vô nhị” trong văn phòng nên làm việc này có cơ hội mở mang kiến thức khi được tiếp xúc với các cơ quan nhà nước khác nhau như tòa án.

Trong khi đó, một số cựu sinh viên lưu trữ học quyết định rẽ sang một hướng hoàn toàn khác với chuyên ngành. Chẳng hạn, chị Đặng Thị Diễm Kiều, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Khi học xong, tôi làm phó phòng kinh doanh kiêm chăm sóc đối tác cho một công ty khởi nghiệp thời trang mẹ và bé với mong muốn học hỏi nhiều cái mới, tiếp xúc và thấu hiểu được nhiều đối tượng trong xã hội”.

Chị Kiều chia sẻ ban đầu khi làm một công việc khác so với những gì được đào tạo thì khá áp lực. “Công việc tại công ty không theo quy trình hành chính mà tôi đã được học, nhưng với các kỹ năng mềm như sắp xếp thời gian, giao tiếp, xử lý tình huống... được rèn giũa khi học về văn thư văn phòng đã giúp tôi thích nghi và học hỏi nhanh hơn”, chị Kiều nói.

Mở ra cơ hội mới cho sinh viên

Tiến sĩ Đỗ Văn Học, Trưởng khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Trường đào tạo lưu trữ học từ năm 1995. Mỗi khóa có từ 70 - 90 sinh viên đăng ký theo học. Trước nhu cầu của xã hội đối với nhân lực về văn phòng, năm 2020, trường có mở rộng đào tạo ngành quản trị văn phòng”.

Bí quyết học tốt ngành lưu trữ

Hiện có 3 trường ĐH đào tạo ngành lưu trữ học - quản trị văn phòng là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), và Trường ĐH Nội vụ Hà Nội. Bên cạnh đó, hai Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và Hà Nội vừa thống nhất công nhận tín chỉ học tập của nhau. “Sinh viên học ở hai trường sẽ có một học kỳ trao đổi (tối đa 15 tín chỉ) để học tập trong môi trường tốt nhất”, tiến sĩ Đỗ Văn Học cho hay.

Tiến sĩ Học chia sẻ thêm về bí quyết học tốt ngành lưu trữ: “Sinh viên cần nắm vững, phân tích, đánh giá, sáng tạo dựa trên nền tảng kỹ năng chuyên môn. Các bạn yêu nghề, làm việc có trách nhiệm thì sẽ từng bước giành được những mục tiêu mong đợi”.

Theo tiến sĩ Học, sinh viên chuyên ngành sẽ đi thực tập khoảng 4 - 8 tuần tại các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Trước tình trạng sinh viên cảm thấy hoang mang vì học nhiều kiến thức đại cương trong những năm đầu, thầy Học cho hay, đến học kỳ thứ 3, 4 sẽ đi vào chuyên ngành.

Cũng theo tiến sĩ Học, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp đều có bộ phận về văn phòng và những người làm về công tác văn thư nên cơ hội việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp rất rộng mở. “Sinh viên học ngành này có thể làm việc trong tất cả các loại hình cơ quan như tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp từ T.Ư đến địa phương”, tiến sĩ Học thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.