Chọn ngành đi ngược số đông: Nhân học - tinh hoa văn hóa và con người

05/08/2022 14:06 GMT+7

Những kiến thức gần gũi lẫn mới mẻ về văn hóa và con người là điểm độc đáo để các sinh viên theo ngành nhân học.

"Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”

Chọn nghề đi ngược số đông, các sinh viên ngành nhân học cho rằng họ nhận thấy đây là ngành khoa học thú vị, mở ra cơ hội nghiên cứu tổng hợp về con người trong mối quan hệ cộng đồng trên các phương diện sinh học, xã hội, văn hóa…

Chẳng hạn, Lê Quốc Tín (sinh viên năm 2 chuyên ngành nhân học phát triển Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho hay anh được học hỏi những kiến thức chuyên sâu về lý luận, phương pháp nghiên cứu về vấn đề dân tộc, văn hóa, xã hội của các cộng đồng người ở Việt Nam nói chung hoặc một khu vực, một quốc gia khác.

Sinh viên ngành nhân học tham gia một chương trình biểu diễn trang phục dân tộc truyền thống

NVCC

Nam sinh viên rất háo hức khi sắp được trải nghiệm đi điền dã. "Chúng tôi sẽ được 'cùng ăn, cùng ở, quan sát' và hòa nhập với cộng đồng mới, tìm hiểu văn hóa của họ để thấy nét đẹp trong mỗi cộng đồng, tộc người", Tín chia sẻ.

Tuy nhiên, các sinh viên cho hay họ thường đối mặt với một câu nói đùa nhưng cũng có thể xem là quan điểm chưa đúng về chuyên ngành, cụ thể là “học nhân học thì ra làm thầy bói". “Dù là câu nói vui nhưng cũng tạo nhiều áp lực cho các sinh viên đang theo đuổi ngành học này”, Tín chia sẻ.

Đa dạng cơ hội nghề nghiệp

Còn Mai Trần Thanh Trúc (sinh viên năm 2 khoa nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho rằng nhiều người nghe qua tên nhân học vẫn còn cảm thấy lạ lẫm, nghĩ rằng người học ngành này ra trường sẽ khó xin việc làm.

“Tuy nhiên, tôi đã tìm hiểu và nhận thấy cơ hội nghề nghiệp của lĩnh vực này rất đa dạng. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể làm việc ở các cơ quan quản lý các cấp trong lĩnh vực này. Bản thân tôi hy vọng trong tương lai có thể làm việc ở các cơ quan báo chí, truyền thông, truyền hình với vai trò phóng viên, biên tập viên, xây dựng nội dung”, Trúc chia sẻ.

Thanh Trúc tham gia chương trình biểu diễn trang phục dân tộc truyền thống

nvcc

Hiện là nhân viên sáng tạo nội dung của một tập đoàn thời trang tại TP.HCM sau khi tốt nghiệp ngành nhân học phát triển, Phan Lê Quỳnh Nhi cho hay: “Khó khăn của ngành học này có lẽ là còn khá mới mẻ. Lúc mới vào học, tôi thậm chí chẳng biết mình sẽ học gì. Khi tìm tài liệu học tập thì tôi cũng đa phần chọn tài liệu nước ngoài”.

“Dù vậy, điểm thú vị của nhân học là sinh viên được “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, tức đi nhiều nơi, sống như người bản địa. Chưa kể, tôi được học kỹ năng viết, chụp hình, làm truyền thông và điều này giúp ích rất nhiều trong công việc hiện tại”, Quỳnh Nhi (23 tuổi) chia sẻ.

Phan Lê Quỳnh Nhi

NVCC

Bên cạnh đó, nam sinh viên Lê Quốc Tín chia sẻ: “Ngành nhân học có thể mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên. Chẳng hạn, sau khi tốt nghiệp, họ có thể làm báo chí, du lịch... hoặc trở thành cán bộ điều phối, thực hiện, quản lý dự án phát triển du lịch và cộng đồng; cán bộ phụ trách công việc quy hoạch phát triển ở các cơ quan kinh tế, quy hoạch của nhà nước”.

Quốc Tín đang công tác tại Liên chi hội sinh viên của khoa nhân học và xem đây là nền tảng để rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho nghề tổ chức sự kiện mà anh hướng tới sau khi tốt nghiệp. "Những kiến thức trong ngành nhân học có thể được áp dụng để phát triển trong mọi lĩnh vực", Tín bày tỏ.

Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, Trưởng bộ môn nhân học tôn giáo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định, nhân học đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, chính sách phát triển đất nước, an ninh quốc gia. “Ngành này còn có thể được vận dụng trong giáo dục đạo đức, truyền thống văn hóa, sức khỏe, tinh thần cho con người”, tiến sĩ Lộc chia sẻ.

Đây là ngành tương đối mới nhưng gắn với yêu cầu của xã hội, ở Việt Nam hiện nay chỉ có hai trường đào tạo là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn tại TP.HCM và ở Hà Nội, theo tiến sĩ Lộc. Trước nhu cầu của xã hội, tiến sĩ Lộc cho biết khoa nhân học mở thêm một chuyên ngành mới là tôn giáo học từ năm 2021.

Thầy Lộc cho hay, trong năm học 2021-2022, khoa nhân học có tổng cộng 230 sinh viên trúng tuyển (được chia ra nhiều nhánh chuyên ngành riêng trong khoa).

Theo thông tin từ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cử nhân nhân học có thể làm việc trong các vị trí như: nghiên cứu tại các viện, trung tâm, tổ chức phi chính phủ; lĩnh vực báo chí, du lịch; cán bộ điều phối, thực hiện, quản lý cho các dự án phát triển du lịch và phát triển cộng đồng; cán bộ phụ trách quy hoạch phát triển ở các cơ quan kinh tế, quy hoạch của nhà nước…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.