Chọn cơ hội trong thách thức

Điều có thể chờ đợi trong năm 2023 là chúng ta có đủ bản lĩnh để vừa kiểm soát những rủi ro, thách thức đồng thời chủ động tranh thủ được cơ hội giữa chằng chịt những thách thức vẫn hiện hữu.

Một năm thách thức

Thế giới đã trải qua một năm 2022 với nhiều chuyển động phức tạp, tạo ra những thách thức “chưa từng có” trong lịch sử.

Đại dịch Covid-19 kéo dài sang năm thứ 3 và chưa thể chấm dứt trên phạm vi toàn cầu, tiếp tục tạo nên sự đứt gãy nhiều chiều từ các chuỗi cung ứng cho tới các mối quan hệ chính trị, ngoại giao. Cạnh tranh giữa các nước lớn cũng trở nên đa chiều khi đan xen cả kinh tế, chính trị, tạo nên sức ép lớn cho đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, “không chọn bên” như Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc (20.9.1977 - 20.9.2022)

TTXVN

Những chuyển động của năm 2022 cũng không thể không nhắc tới điểm nóng ở Ukraine bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới châu Âu mà còn ảnh hưởng tới cả thế giới. Sự phân cực trong địa chính trị thế giới, nhất là trong mối quan hệ giữa Mỹ, phương Tây và Nga; bất ổn giá cả và sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, trong đó có những hàng hóa thiết yếu như lương thực, xăng dầu, khí đốt… đã khiến cuộc khủng hoảng ở Ukraine ở vào vị trí tâm điểm trong bức tranh ngoại giao thế giới trong năm 2022.

Trong bức tranh phức tạp, “chằng chịt” những thách thức của năm 2022, vẫn có thể thấy những điểm sáng và cơ hội đan xen. Đó là xu thế hòa bình, hợp tác phát triển và hội nhập của khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương. ASEAN đang làm tốt vai trò đoàn kết và trung tâm của mình không chỉ với các quốc gia trong khu vực mà còn với nhiều đối tác lớn. Đó là việc khu vực Đông Nam Á và nhiều trung tâm lớn đã bước đầu kiểm soát được đại dịch và mở cửa trở lại, tạo điều kiện để nối lại các chuỗi cung ứng, phục hồi và phát triển cả về kinh tế lẫn chính trị…

Điểm nhấn Việt Nam

Một điểm nhấn đáng kể trong năm 2022 là Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh tế, xã hội trong nước cũng như từng bước nối lại các hoạt động ngoại giao với bên ngoài. Bởi khôi phục các hoạt động sản xuất chính là khôi phục sức sống của nền kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội như công ăn việc làm cho người lao động. Và cũng chỉ khi đó thì chúng ta mới có thể kết nối trở lại với thế giới.

Trên cơ sở đó, trong năm qua, Việt Nam tiếp tục triển khai mạnh mẽ chủ trương đổi mới, hội nhập và phát triển cũng như đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Những chuyến thăm cấp cao tới các nước trong khu vực đều tạo nên sự bứt phá hoặc thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ hợp tác trong mọi lĩnh vực. Mối quan hệ với nhiều đối tác ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt đẹp.

Năm 2022, sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, Việt Nam bắt đầu giai đoạn phục hồi kinh tế, trong đó xuất khẩu gạo đã tăng đáng kể so với năm 2021

Trần Thanh Phong

Đặc biệt là 2 chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng tới Mỹ hồi tháng 5.2022 và Tổng Bí thư thăm chính thức Trung Quốc ngay sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đầu tháng 11 thể hiện rất rõ sự chủ động trong lập trường đa dạng hóa, đa phương hóa trong ngoại giao. Trong thế giới hiện nay, mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn là mối quan hệ có tác động hàng đầu. Do đó, việc Việt Nam có thể làm bạn, làm đối tác tốt với cả hai, có thể tiếp tục thúc đẩy khuôn khổ hợp tác theo hướng hiệu quả, tin cậy, cùng có lợi là một thành công rất đáng kể vì chính lợi ích của Việt Nam.

Trên các diễn đàn đa phương, chúng ta tiếp tục nhấn mạnh thượng tôn pháp luật và thể hiện mạnh mẽ và nhất quán quan điểm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Những đánh giá của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres tại Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc về “những đóng góp thực chất và hiệu quả của Việt Nam” có lẽ đủ khẳng định điều này. Còn về hội nhập, năm 2022 tiếp tục là năm Việt Nam nỗ lực thực hiện các quyết sách quan trọng trong và ngay sau đại dịch. Đó là chuyện đảm bảo các chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng cao phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta tham gia. Đó còn là việc khai thác các sáng kiến của các nước lớn với khu vực như kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương IPEF hay những Hiệp định thương mại tự do đã có như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Điểm lại như vậy chỉ để khẳng định rằng, sau 2 năm chịu những tác động tiêu cực của dịch bệnh, năm 2022 với nhiều điểm nhấn đã tạo nên một “bước đệm”, một “bàn đạp” để có thể bứt tốc trong mở rộng quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế trong năm tiếp theo.

Tranh thủ cơ hội

Những thách thức trong năm 2022 chắc chắn vẫn còn tiếp diễn. Đó vẫn là câu chuyện kiểm soát dịch bệnh, mở cửa trở lại để hồi phục, phát triển. Đó vẫn là cuộc cạnh tranh của các nước lớn; các cuộc khủng hoảng, những nguy cơ cũng như thách thức an ninh phi truyền thống… sẽ tiếp diễn. Tuy vậy, trong thách thức bao giờ cũng có cơ hội. Có khác chăng, giờ đây chúng đan xen, phức tạp hơn rất nhiều.

Bốn hội nghị cùng diễn ra trong tháng 11 vừa qua, từ Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41 tại Campuchia; Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia, Hội nghị COP27 tại Ai Cập và Hội nghị APEC tại Thái Lan, đã cho chúng ta nhiều “tín hiệu” tích cực về xu thế hợp tác để giải quyết các thách thức dù khác biệt hay bất đồng. Chúng ta vẫn nhớ vào năm ngoái, ASEAN quyết định nâng cấp quan hệ với Trung Quốc và Úc lên đối tác chiến lược toàn diện thì tại Hội nghị cấp cao ASEAN vừa rồi tại Campuchia đến lượt Mỹ và Ấn Độ. Điều này cho thấy quan điểm rất rõ ràng của ASEAN về “không chọn bên, mà chơi với các bên”. Hay những gì diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G20 cho thấy dù vẫn cạnh tranh, khác biệt song các quốc gia đều chung nhận thức là quản trị được quan hệ cạnh tranh để không xảy ra xung đột. Bên cạnh đó, dù cạnh tranh, khác biệt, thậm chí phân cực trong nhiều vấn đề song trước những vấn đề cấp bách phải giải quyết để phục hồi và phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô thế giới đang tạo ra xu thế chung là hợp tác…

Xu thế đó tạo ra những cơ hội. Khi chúng ta đã kiểm soát được đại dịch thì đây là lúc phải chứng tỏ Việt Nam sẽ bắt kịp với xu thế mới từ các chuỗi cung ứng chất lượng cao cho tới sự chuyển đổi số, xanh, sạch. Điều quan trọng nhất là sự đổi mới tự thân, xây dựng năng lực cũng như hành lang pháp lý để bắt kịp các xu thế và tận dụng cơ hội. Cạnh đó, trong mối quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc… thì sức ép “chọn bên” cũng sẽ gia tăng đáng kể vì dù có thể bắt tay nhau để kiểm soát bất đồng, không để xảy ra xung đột, song thực tế quan điểm giữa các nước lớn như Mỹ - Trung Quốc vẫn có sự khác biệt.

Cuối cùng thì có thể nói trong năm 2022 Việt Nam đã vượt qua để duy trì đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập. Chúng ta hoàn toàn có niềm tin rằng đây sẽ là bàn đạp để Việt Nam có thể làm tốt hơn trong năm 2023. Điều có thể chờ đợi là chúng ta có đủ bản lĩnh để vừa kiểm soát những rủi ro, thách thức đồng thời chủ động tranh thủ được những cơ hội giữa chằng chịt những thách thức. Bởi chỉ cần một chút rụt rè, chúng ta sẽ lỡ cơ hội mà lỡ cơ hội dịp này là lỡ cơ hội rất lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.